Cuộc chiến không có hồi kết giữa lông thú giả và lông thú thật
- Hải Đường
- Đăng lúc: Thứ ba, 01/12/2020 10:31 (GMT +7)
Sự đồi đầu giữa bên ủng hộ và phản đối lông thú thật sẽ không bao giờ kết thúc.
Chưa bao giờ ngành lông thú gặp khó khăn như thời điểm hiện tại. Nếu như trước đây, một chiếc khăn lông chồn hay mũ lông chim là biểu tượng của sự vương giả thì bây giờ, đồ lông thú (bị cho) là đại diện của sự phi đạo đức và bị tẩy chay kịch liệt.
Gucci, Versace, Jimmy Choo, Furla, John Galliano... là những cái tên đã bước vào cuộc chiến bảo vệ quyền lợi động vật và nói không với lông thú. Về mặt luật pháp thì lông thú thật đã bị cấm bày bán tại California, Hoa Kỳ. Na Uy thì đang suy xét đến việc cấm một cách tuyệt đối hoạt động săn bắt chồn và cáo.
Các thương hiệu thì đang dần chuyển sang sử dụng lông thú giả, các quốc gia thì đưa ra các đạo luật bảo vệ quyền động vậy. Vậy phải chăng cuộc chiến lông giả - lông thật đang dần ngã ngũ?
Không, cuộc chiến không bao giờ kết thúc
Phe phản đối lông thú thì nói rằng hành động giết thú chỉ vì bộ lông/da là vô nhân đạo. Ngoài ra, việc hoạt động một trang trại nuôi dưỡng và lấy lông động vật cũng rất hao tổn tài nguyên. Phân động vật chứa hàm lượng phốt-pho và ni-tơ cực cao, gây nhiễm khuẩn sông ngòi. Công đoạn thuộc da, nhuộm lông cũng thải vào nguồn nước formaldehyde hay nonyphenol ethozylates.
Tuy nhiên, phía ngược lại đưa ra luận điểm rằng lông thú giả có hại cho môi trường nhiều hơn vì chúng được làm từ acrylic, polyester, sợi dầu mỏ. Những hợp chất này sẽ mất đến hàng trăm năm để phân hủy và gây ô nhiễm môi trường.
Những người ủng hộ lông thú thật cũng cho rằng việc bỏ một số tiền lớn để mua một món đồ lông thủ giả là một hành động ném tiền qua cửa sổ bởi chúng không có tuổi thọ tốt như lông thú thật.
Keith Kaplan, giám đốc truyền thông của Hiệp hội Lông thú Hoa Kỳ chia sẻ rằng: "Sản phẩm thời trang từ lông thú giả chứa sợi nhân tạo gốc dầu mỏ, rất có hại cho môi trường. Nó đi ngược lại với giá trị mà những-nhà-bảo-vệ-động-vật vẫn liên tục rao giảng."
Vậy đâu là giải pháp cân bằng?
Có thể thấy rằng cả hai bên đều có những lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Người mua thì sẽ có kẻ bán, tất cả phụ thuộc vào phương châm sống của khách hàng. Nếu bạn là người yêu động vật thì chắc chắn lông thú giả là lựa chọn cho bạn. Các nhà mốt xa xỉ như Prada, Gucci có những sản phẩm đẹp và dày dặn không khác gì lông thú thật. Những thương hiệu "rẻ tiền" hơn chút như Stella McCartney, House of Fluff và Calcaterra cũng cho ra đời những sản phẩm lông thú giả làm bằng nhựa tái chế có chất lượng cực kỳ xuất sắc.
Còn nếu bạn yêu thích những thiết kế kiểu cách phô trương của lông thú thật thì cũng đừng cảm thấy quá tội lội. Các thương hiệu đang dần tìm đến lông thú dạng sản phẩm phụ (by-product) đến từ động vật có thể dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất thời trang. Những thương hiệu tiêu biểu gồm Mou (Anh) và Brother Veillies (Mỹ). Brother Veils thì sử dụng lông hươu nai được săn bắn hợp pháp từ Nam Phi, từ đó tạo ra công ăn việc làm cho bộ phận dân tộc thiểu số tại quốc gia này.