Bánh cuốn Đồng Văn - món ăn dân dã níu chân thực khách khi tới cao nguyên đá
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ sáu, 12/11/2021 10:40 (GMT +7)
Bánh cuốn Đồng Văn có những điểm khác biệt rõ rệt so với bánh cuốn ở những nơi khác. Bắt đầu ngày mới vùng cao bằng đĩa bánh cuốn quả là vô cùng thú vị.
Du lịch đến Đồng Văn, Hà Giang, các du khách không chỉ có cơ hội được chinh phục và ngắm nhìn cột cờ Lũng Cú, tham quan triều đại nhà Vương hay những khu kiến trúc cổ độc đáo,... mà còn được thưởng thức một món ăn nổi tiếng nơi đây, đó chính là “bánh cuốn Đồng Văn”.
Bánh cuốn là món ăn phổ biến khắp Việt Nam. Bánh cuốn có nhiều biến tấu tùy theo địa phương với nhưng đặc trưng riêng. Bánh cuốn Đồng Văn so với những phiên bản bánh cuốn khác của Việt Nam khá độc đáo. Món bánh cuốn này chắc chắn sẽ không khó ăn như thắng cố, hay có vị đắng như ấu tẩu, nên chỉ cần thưởng thức miếng đầu tiên, chắc chắn các thực khách sẽ phải nao lòng.
Trước đây, bánh cuốn Đồng Văn chỉ được coi là một món ăn dân giã, quen thuộc của chính người dân nơi đây. Thế nhưng, cho đến ngày nay món ăn đã dần trở thành một đặc sản của Hà Giang mà được nhiều thực khách biết tới và yêu thích. Không cần quá cao sang, mĩ vị như những món ăn khác, bánh cuốn Đồng Văn vẫn tạo được ra một nét riêng, một sức hút hấp dẫn chẳng thua kém gì.
Thoạt mới nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ món bánh cuốn này không có gì khác biệt với món bánh cuốn ở dưới miền xuôi. Cũng là bột gạo được hấp và tráng mỏng, vẫn là những động tác nhanh thoăn thoắt để láng bột, hớt bánh, cuộn nhân rồi xếp gọn gàng lên đĩa.
Đối với loại bánh cuốn nhân trứng, thì khi bánh vừa đạt đến độ chính tới, người ta sẽ đập thêm một quả trứng gà vào, đậy nắp vung lại rồi đợi đến khi chín thì mới bỏ thêm mộc nhĩ và thịt. Bánh vừa mềm, mịn, phần trứng vẫn giữ được lòng đào mà không lo bị nát. Mùi vị từ lớp bánh bên ngoài, hòa quyện với vị béo ngậy từ trứng gà khiến ai nấy cũng đều phải thèm thuồng.
Điều khác biệt lớn nhất của món bánh cuốn Đồng Văn chính là ở nước chấm. Thay vì nước mắm pha thông thường, nước chấm bánh cuốn Đồng Văn được nấu lên từ nước ninh xương lợn nên sẽ có độ ngọt, thơm và đậm đà vô cùng.
Xương lợn sau khi mua về, cần phải sơ chế sạch sẽ, sau đó đem đi luộc một lần để có thể loại bỏ được phần nước đục đi. Sau đó, người ta mới đem xương đi hầm trong vòng 4 - 5 tiếng để xương tiết hết ra chất ngon, ngọt và thơm nhất. Bánh cuốn nóng hổi được chấm đẫm cùng với nước mắm, ăn kèm với vài ba miếng chả trong thời tiết se lạnh của Hà Giang thì quả là không còn điều gì tuyệt vời hơn.
Là vùng địa đầu Tổ Quốc, mùa đông rét đậm, rét hại nên những món ăn nóng hổi như bánh cuốn ở Hà Giang được nhiều người lựa chọn. Vì ăn nóng nên thực khách sẽ phải đợi chủ quán tráng từng cái. Tuy nhiên bù lại những cuốn bánh vừa ra lò sẽ làm thực khác ấm bụng, ấm người ngay lập tức.
Thêm nữa, vì chấm với nước xương luôn giữ nóng hổi nên phiên bản bánh cuốn Đồng Văn cũng ấm nóng hơn hẳn bánh cuốn chấm nước mắm pha. Còn gì tuyệt hơn vừa ăn bánh cuốn vừa có thể húp ngụm nước chấm ấm nóng thơm mùi rau thơm, cay tê vị tiêu ớt. Cũng có lẽ vì thế mà bánh cuốn là món cả người bản địa lẫn du khách đều ưa thích khi phố cổ Đồng Văn.
Có thể nói rằng, nếu như bạn đã đặt chân đến Hà Giang nhưng lại chưa từng thử qua hương vị của món bánh cuốn Đồng Văn thì quả là một sự thiếu sót và tiếc nuối lớn. Một món ăn tuy dung dị, dân dã và đơn giản là vậy, nhưng lại chứa đựng một hương vị vô cùng đặc sắc và cả một nét đẹp tinh túy trong nền văn hóa ẩm thực của con người nơi đây.