Bánh nghệ - thức bánh đặc biệt đến từ mảnh đất Thái Bình
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ năm, 15/07/2021 15:12 (GMT +7)
Bánh nghệ có màu vành ruộm đặc trưng của nghệ, bên trong là nhân tóp mỡ, thịt băm, hành phi... Khi ăn bánh nghệ, bạn sẽ cảm nhận được ngay vị béo, bùi hấp dẫn.
Dù không quá ồn ào hay nhộn nhịp, những phiên chợ quê ở Thái Bình vốn có những đặc sản, những món bánh dân dã gắn liền với những người con quê hương "chị Hai năm tấn". Một trong số những món bánh đặc sắc của Thái Bình phải kể đến chính là bánh nghệ, món bánh có màu vàng ruộm đặc trưng của nghệ.
Bánh nghệ vốn là món bánh riêng có của Thái Bình. Bánh nghệ từng là món ăn vô cùng phổ biến vào những năm 90 của thế kỷ 20. Có nhiều người kể lại, từ nhỏ đã thấy các bà, các mẹ của mình làm món bánh này nhưng ngày nay chỉ còn làng Phú Cốc, huyện Kiến Xương hay khu Nam, huyện Tiền Hải là những nơi còn làm cũng như lưu giữ nghề làm bánh nghệ.
Bánh được đặt tên là “Bánh nghệ” bởi vì nguyên liệu chính để làm nên thức bánh này chính là gạo tẻ cùng nghệ vàng. Nhưng điều khiến thức bánh này trở nên hấp dẫn hơn cả thì vẫn phải là phần nhân bánh. Nhân bánh thường sẽ được làm từ nước mắm, tóp mỡ, mỡ nước, hành khô, thịt và cả hạt tiêu. Do làm từ gạo tẻ và có nghệ lành tính nên bánh nghệ còn là món bánh lý tưởng cho phụ nữ sau sinh.
Bánh nghệ có dạng hình thoi hoặc cũng có thể hình tròn, tùy vào tay của mỗi người nặn. Nếm thử một chiếc bánh nghệ, người thưởng thức sẽ cảm thấy ngay được hương thơm đặc thoảng dịu từ nghệ, độ dẻo bùi của gạo tẻ, cái ngậy ngậy, béo béo từ thịt, hành khô và mỡ.
Để làm ra được một chiếc bánh nghệ cần phải trải qua rất nhiều những công đoạn khác nhau và mất khá nhiều thời gian. Muốn bánh có được màu vàng tươi đẹp mắt thì bắt buộc phải chọn được nghệ già, luộc chín tới, giã nát để lấy nước rồi cuối cùng mới nhào với bột gạo. Phải như vậy thì bánh nghệ mới có được màu vàng ưng ý, mùi thơm hấp dẫn mà lại không sợ bị hăng. Gạo làm bánh nhất định phải là loại gạo tẻ ngon chứ không phải gạo nếp. Gạo được chọn phải là gạo Thái Bình, ngâm đủ độ cho dẻo rồi sau đó nghiền nát thành bột.
Bột cần chia ra ba phần ướt và một phần khô. Như vậy thì bánh ăn mới cảm thấy được độ dẻo. Tiếp đó là công đoạn xôi bột (hấp chín bột), đây cũng là công đoạn khó nhất bởi cần bột cần chín mềm nhưng không được nhão cũng không quá khô mới đặt chuẩn. Nếu không khéo léo thì không phải ai cũng làm được điều này. Sau khi bột chín rồi thì lại dùng tay để nhào cho kỹ khi còn nóng. Các công đoạn như vậy cũng phải mất tầm 4 tiếng.
Thức quà quê vô cùng đặc biệt này đâu chỉ thơm ngon mà giá bán cũng cực kỳ hợp lý. Cũng bởi vì không quá xa xỉ, chỉ với vài nghìn đồng là đã có thể mua được một chiếc bánh nghệ nên từ người già cho đến trẻ con cũng đều dễ dàng mua và ăn chắc bụng, no lâu.
Khác với những loại bánh khác, chưa hết phiên chợ thì những gánh bánh nghệ cũng đã bán hết veo. Người đi chợ cứ thấy bánh nghệ là sẽ ghé vào mua. Mua một phần vì nó ngon mà phần còn lại là vì nó gần gũi và hợp miệng với nhiều người. Chưa hết, thức bánh này còn mang lại cho người ăn những giá trị dinh dưỡng vô cùng tuyệt vời đến từ nghệ, nên lại càng khiến cho người ta phải yêu thích và gắn bó với nó.
Giữa vô vàn những thức bánh len lỏi trong những khu chợ, thì bánh nghệ vẫn là một thức quà quê bình dị nhưng rất đỗi quý giá mà bất cứ một người con xa quê nào khi quay trở về với Thái Bình cũng phải lựa chọn và tìm mua cho bằng được.