Bún xào rau cần, món ăn dân dã mà gắn liền với bậc vua chúa của vùng Cổ Loa

Từng sợi bún dai dai, trắng ngần, kết hợp với những cọng rau cần xanh tươi, chín giòn, đã tạo nên một món ăn vô cùng độc đáo của riêng người dân ở vùng Cổ Loa

Hashtag: Đặc sản Việt Nam Ẩm thực việt nam

Đã từ lâu, bún xào rau cần đã trở thành một món ăn đặc trưng của riêng vùng đất Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Món ăn này theo truyền thuyết để lại đã có cách đây hơn 2000 năm.  Gắn liền với món bún xào rau cần này, chính là sự ra đời của làng nghề sản xuất bún vô cùng nổi tiếng: bún Mạch Tràng. Không chỉ được coi là một món ăn, bún Mạch Tràng còn được lưu truyền, bảo tồn qua bao nhiêu đời nay và được người dân ở nơi đây xem trọng như một sợi dây để nối liền giữa truyền thống và lịch sử. 

Nhiều người còn nói vui với nhau rằng, bún xào rau cần bắt nguồn từ việc “lỡ tay” mà bỗng dưng lại trở thành một món đặc sản được lưu truyền tới tận bây giờ. Hơn 2000 năm trước, trong tiệc yến linh đình mừng lễ sêu (hay còn được biết đến là lễ dạm hỏi) cho vị công chúa Mỵ Châu, một đầu bếp đã vô tình làm đổ bột gạo vào trong một chiếc rổ được đặt phía trong một vạc nước sôi.

Sau đó, vị đầu bếp này đã hốt hoảng và nhanh chóng nhấc chiếc rổ ra thì bột gạo đã chảy ra thành những sợi bột vừa trắng vừa dài. Bỏ đi thì tiếc của, để không lại chẳng biết chế biến gì, vị đầu bếp này đã cho những sợi bột này vào để xào chung cùng với rau cần và làm thành một món ăn lót dạ.   

Khi món ăn được bày ra ngoài bàn tiệc, vua An Dương Vương thấy màu sắc trang nhã, cộng với hương thơm đồng nội, liền gắp và ăn thử một miếng. Vua An Dương Vương thấy ngon rồi ban ăn cho các triều thần, ai nấy khi ăn cũng tấm tắc khen ngợi và thích thú. Vậy là chỉ từ một cứ “lỡ tay” của vị đầu bếp nọ mà món bún xào rau cần đã nghiễm nhiên trở thành món ăn ngôi sao trong lễ sêu (lễ ăn hỏi) của công chúa Mỵ Châu. Và cũng kể từ đó, món ăn này vẫn tiếp tục được lưu truyền cho con cháu muôn đời sau. 

Lại có một dị bản khác đã kể lại rằng, trong quá trình chế biến, vì bột bị hòa quá lỏng nên các đầu bếp đã phải trải vải rồi lọc bột ở trên một chiếc rổ nan thưa, phía bên dưới có một chậu nước lạnh. Bột sau khi từ từ chảy xuống, gặp phải nước lạnh nên tạo thành những sợi bột trắng, dài. Sau đó, họ mang bột đi luộc chín, đợi cho ráo nước rồi đem xào cùng với rau cần. 

Kể từ đó, vào ngày nay, cứ tới ngày 13 tháng 8 (âm lịch) hàng năm, người dân sinh sống ở 9 xóm của vùng đất Cổ Loa xưa lại dắt nhau qua làng Mạch Tràng mua bún và thắp hương để ngày ăn sêu của vị công chúa Mị Nương. Đây được coi là một truyền thống vô cùng tốt đẹp và được ghi vào hương ước của người dân nơi đây. 

Bún Mạch Tràng không giống với những loại bún thường mà sẽ có những nét đặc trưng mà chúng ta hoàn toàn có thể phân biệt bằng mắt thường. Bún Mạch Tràng sẽ không sáng bóng, trắng ngần mà có màu hơi ngà ngà, khi thưởng thức sẽ cảm nhận được độ thanh mát, dai giòn và hương vị thơm ngon hơn bún thường rất nhiều. Chính vì thế, bún Mạch Tràng còn được nhiều người gọi với cái tên khác là “bún đen” để có thể tiện phân biệt. 

Theo như những nghệ nhân làm bún ở nơi đây, để bún được ngon và đạt chuẩn chất lượng, người ta cần phải chọn ra loại gạo ngon, có nhiều dinh dưỡng, hạt nào hạt nấy đều phải tròn đều, mẩy và bóng. Bún không được chế biến trực tiếp từ bột sống mà cần phải trải qua một quá trình ngâm ủ vô cùng cầu kỳ. Màu trắng ngà ngà của sợi bún cũng được tạo ra một cách vô cùng tự nhiên trong bước ngâm và ủ này mà không hề pha trộn bất kỳ loại phụ gia nào. 

Đối với người dân ở vùng đất Cổ Loa, bún có thể xào cùng với rất nhiều loại rau, thế nhưng ngon nhất vẫn phải là rau cần. Món ăn đặc sản này không chỉ xuất hiện trên mâm cơm thường ngày, mà còn là một món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Tết, đám cưới hay giỗ chạp. Đối với người dân Cổ Loa, đặc biệt là các chị em phụ nữ, ai nấy cũng đều có thể chế biến món bún xào rau cần này một cách thành thạo và vô cùng hấp dẫn. 

Mặc dù chỉ là một món ăn giản dị và bình dân như vậy, nhưng bún xào rau cần vẫn luôn là một món ăn thu hút nhất trong mỗi bữa ăn và gây thương nhớ cho bất cứ vị khách nào khi đặt chân đến Cổ Loa. Và cứ mỗi khi đến dịp 13 tháng 8 âm lịch mỗi năm, người dân nơi đây lại nhắc về bún xào rau cần giống như một niềm tự hào muôn đời. 

Bài liên quan

News feed