Cách làm gà hầm ngải cứu ngon ngọt mà không bị đắng

Gà hầm ngải cứu không chỉ là món ăn thông thường mà còn được coi là bài thuốc chữa bệnh cực tốt cho phụ nữ mang thai và người mới ốm dậy.

Hashtag: Mẹo nấu ăn Công thức nấu ăn Mẹo nấu ăn thông minh Món ngon mỗi ngày

Gà hầm ngải cứu là món ăn ngon, bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu chế biến không kĩ thì gà không được mềm, ngải cứu có vị đắng và rất khó ăn. Vậy cách làm gà hầm ngải cứu như thế nào để khắc phục tình trạng trên? Tham khảo ngay công thức dưới đây nhé, đảm bảo bạn sẽ có ngay một món ăn ngon miệng cũng như nâng cao sức đề kháng cho cả gia đình đấy!

Gà hầm ngải cứu được xem là bài thuốc chữa bệnh, nhất là đối với người đang mang thai hoặc suy nhược cơ thể.

Tham khảo cách làm gà hầm ngải cứu tại nhà

1. Nguyên liệu làm gà hầm ngải cứu

- Gà đã sơ chế: 1 con 1kg - 1,2kg

- Ngải cứu: 2 bó

- Gừng: 1 củ

- Rượu trắng: 10ml

- Gia vị thuốc bắc: 1 gói

- Gia vị: hạt tiêu, hạt nêm, muối... 

2. Cách làm gà hầm ngải cứu

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Gà sau khi mua về thì chặt nhỏ thành từng miếng vừa ăn. Sau đó, xát muối và rửa lại bằng nước sạch, vớt ra để ráo nước.

- Gừng rửa sạch, gọt vỏ, băm nhỏ.

- Ngải cứu chỉ nhặt lấy phần lá và ngọn non, rửa sạch và để ra rổ cho ráo nước. Phần thân già có thể tận dụng bằng cách rửa sạch, cho vào túi lọc rồi đem hầm cùng gà. 

Bước 2: Hầm gà 

- Sau khi sơ chế nguyên liệu, bạn có thể nhồi một ít lá ngải cứu vào trong bụng gà rồi dùng tăm kẹp lại để khi hầm không bị rơi ra ngoài. 

- Xếp một nửa lá ngải cứu xuống đáy nồi rồi đặt gà lên trên.

- Tiếp theo, cho thêm túi lọc có ngải cứu, gói gia vị thuốc bắc vào và đổ ngập nước.

- Đun nhỏ lửa trong khoảng 50 - 60 phút thì nêm nếm gia vị vừa ăn.

- Cuối cùng, thêm 1 thìa rượu trắng vào và đảo đều để thành phẩm dậy mùi thơm hơn. 

Bước 3: Thành phẩm

- Ủ gà hầm ngải cứu trong nồi thêm 30 phút sau đó múc ra bát và thưởng thức.

- Gà hầm ngải cứu đạt chuẩn phải có mùi thơm đặc trưng của thuốc bắc, thịt gà mềm và dễ xé miếng. 

Mẹo chế biến gà hầm thuốc bắc ngon 

- Tùy theo sở thích, bạn có thể cho thêm táo đỏ, hạt sen, đậu đen... hoặc sử dụng gà ác để tăng giá trị dinh dưỡng cho món ăn.

- Trong quá trình hầm gà, thường xuyên vớt bọt nổi lên trên để nước hầm trong và đẹp mắt. 

- Để giảm mùi thuốc bắc thì bạn có thể cho thêm rượu trắng và nấu thêm 3 - 5 phút rồi tắt bếp. 

- Bạn có thể sử dụng nồi áp suất để gà được chín mềm hoặc hầm gà bằng nồi cơm điện đều được. 

- Nếu nấu gà hầm thuốc bắc cho người có bầu hoặc người đang dưỡng thai thì không nên cho gia vị và nấu ít nước lại. 

- Để món ăn thêm hấp dẫn, bạn có thể dùng nước dừa để hầm gà. Tuy nhiên, cách này không phù hợp với những người đang mang thai dưới 6 tháng. 

- Gà hầm thuốc bắc có thể ăn không, ăn chung với cơm, bánh mì hoặc nấu cùng mì gói đều rất ngon.

Gà hầm ngải cứu đã ngon, nấu cùng mì gói lại càng thêm hấp dẫn. Ảnh: IG @tunluvfood.

Gà hầm ngải cứu là món ăn đơn giản nhưng lại có nhiều tác dụng tốt. Nếu bạn yêu thích món ăn này nhưng lại ngại vị đắng của rau ngải cứu thì hãy tham khảo công thức mà 2 Đẹp đã chia sẻ phía trên nhé. Chúc các bạn thành công!

 

Bài liên quan

News feed