Câu chuyện thực sự đằng sau việc bỏ ăn Tết Âm lịch của người Nhật Bản

Nhật Bản từng có truyền thống mừng Tết theo lịch Âm kéo dài nhiều thế kỷ. Thế nhưng, người Nhật đã bỏ Tết Âm lịch để ăn Tết theo Dương Lịch từ thế kỷ 19

Hashtag: Tết Nguyên đán Tết Nhâm Dần

Tết Nguyên Đán là Tết mà người phương Đông chào đón năm mới theo Lịch Âm, Lịch mặt trăng. Toàn bộ vùng Đông Á và những quốc gia chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa đều đón Tết theo lịch này. Thế nhưng, vào thế kỷ XIX, một đất nước giàu truyền thống như Nhật Bản lại quyết định bỏ "Tết ta" để ăn Tết Tây.

Tại sao Nhật Bản lại chuyển từ ăn Tết Âm lịch sang ăn Tết Dương lịch?

Trong suốt thời gian dài từ năm 1844 đến năm 1872, người Nhật vẫn đón Tết theo lịch Thiên Bảo (Lịch Âm của người Nhật, tương tự như lịch của người Trung Quốc). Tuy nhiên đến năm 1873, chính phủ Nhật và được Nhật Hoàng cho phép sửa lại lịch từ ngày 3 tháng 12 năm Minh Trị thứ 5 thành ngày 1 tháng 1 năm Minh Trị thứ 6 (năm 1873). Đây là cột mộc "tính lại" thời gian của nước Nhật theo mốc thời gian của Dương lịch (lịch phương Tây).

Nhật Hoàng của Nhật Bản trong năm Minh Trị thứ 6.

Nhiều lý giải cho rằng việc đổi lịch này là vì áp lực tiết kiệm của chính phủ trước tình hình kinh tế khi đó. Bởi qua việc đổi lịch theo mốc mới thì chính phủ Nhật Bản đã tiết kiệm được tiền trả lương tháng 13 cho công chức (vì nếu tính theo lịch cũ thì năm Minh Trị thứ 6 có tháng 6 là tháng nhuận) và giảm bớt ngày nghỉ, tăng sản lượng quốc gia.

Trên thực tế, lý do Nhật Bản muốn tính lịch mới theo lịch phương Tây là vì tính chất thời điểm. Giới lãnh đạo Nhật đương thời muốn thoát khỏi vòng ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc, vì nhận thấy rằng văn minh phương Tây đã phát triển hơn châu Á về nhiều mặt. Cần phải biết, Nhật Hoàng khi đó là người rất cấp tiến và muốn đưa Nhật Bản phát triển theo hướng công nghiệp hóa như các nước phương Tây. Việc đổi lịch nhằm khớp lại toàn bộ nền khoa học của Nhật Bản cho giống với phương Tây chứ không chỉ là để "tiết kiệm" như nhiều người vẫn nghĩ.

Những đặc trưng trong cách đón Tết của người Nhật Bản

Dù Nhật Bản không còn ăn Tết theo lịch Âm, nhưng cơ bản những phong tục và cách ăn tết của người Nhật cổ truyền vẫn được giữ nguyên. Tục đón tết của người Nhật cũng có câu "3 ngày Tết" nhưng trên thực tế thường kéo dài hơn.

Một Shimenawa đặc trưng tại Nhật Bản.

Chuẩn bị đón năm mới: Ngày 31/12 (Dương lịch) là ngày giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Vào ngày này người dân Nhật Bản sẽ dọn dẹp nhà cửa rất sạch sẽ, gọn gàng để đẩy đi những vận xấu của năm cũ và đón chào một năm mới. Các gia đình ở Nhật Bản thường treo shimenawa (một dạng bùa trừ tà) trước cửa nhà với ý nghĩa trừ đuổi ma quỷ và chào đón những vị thần, những điều may mắn sẽ đến với gia đình. Cách trang trí của shimenawa thường mang những màu sắc sặc sỡ, ấm cúng, tượng trưng cho những điều tốt lành, bình yên luôn hiện diện. Ngoài ra các gia đình Nhật Bản còn đặt những bó Kadomatsu, được làm bằng tre tươi và cành thông để cầu sức khỏe và sự bình an trong năm mới,

Treo Wakazari trong bếp để bày tỏ lòng biết ơn thần lửa và thần nước.

Tạ ơn thần lửa và thần nước: Khác với Trung Quốc hay Việt Nam có lễ tiễn Táo Quân, người Nhật đặt Wakazari trong bếp, Wakazari là một vòng tròn, được bện bởi một đoạn dây thừng, được kết hoa lên phía đầu, chỗ móc treo. Người ta treo Wakazari ở bếp, với ý nghĩa tạ ơn những vị thần lửa và thần nước đã đem lại cuộc sống sung túc, những bữa cơm gia đình đầm ấm cho họ. Wakazari còn được treo ở mui xe ô tô và xe đạp để cầu an toàn trong năm.

Ban thờ cúng tổ tiên và các vị thần của gia đình Nhật Bản.

Thắp hương cúng tổ tiên và các vị thần: Giống như Việt Nam, người Nhật Bản cũng cúng tổ tiên, các vị thần vào đêm giao thừa. Nhưng người Nhật không đốt hương và vàng mã như người Việt Nam. Họ đặt các loại bánh dầy, bánh Tokonoma lên bàn thờ, nhằm tỏ lòng thành kính, và được các thần linh phù hộ. Khi ăn sẽ dùng đũa nhọn cả 2 đầu vì cả người và thần sẽ dùng.

Loại mỳ sợi dài truyền thống đặc biệt được ưa thích trong đêm giao thừa tại Nhật Bản.

Các hoạt động trong Đêm giao thừa 31/12: các gia đình đều chờ nghe 108 tiếng chuông để đón chào Thần năm mới và để xua đuổi 108 con quỷ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong năm âm thanh của Phật pháp. Đêm giao thừa cả gia đình vui đón Tết và ăn một loại mỳ truyền thống, có sợi mỳ dài, thể hiện sự trường thọ, sống lâu.

Món ozoni không thể thiếu trên mâm cơm sáng mùng 1 của người Nhật.

Ngày 1/1 (Mùng 1 tết): Mồng 1 Tết cả nhà sẽ cùng dùng bữa ăn sáng với những món ăn được chế biến rất công phu theo truyền thống với các món thường ngày như sashimi, sushi, mà còn có những món ăn làm từ hải sản, rau thịt và có cả bánh dày. Trong đó Ozoni là tên gọi của món canh bánh dầy mà người Nhật thường ăn vào đầu năm mới. Mỗi một vùng, một gia đình lại có cách chế biến món ăn này khác nhau. Nhưng không thể thiếu trong món canh này là Omochi, đậu hũ, khoai, thịt gà, rau xanh, các loại rau củ màu sắc khác.

Mừng tuổi người già và trẻ nhỏ, thể hiện sự kính ngưỡng và yêu thương.

Lì xì đầu năm mới (gọi là otoshidama): Người Nhật Bản thường mừng tuổi đầu năm cho các em bé, và người già, đây là hai độ tuổi thể hiện rõ văn hóa kính trọng bậc lão niên và yêu thương lớp thiếu niên trong văn hóa Nhật. Lì xì tại Nhật Bản cũng thường là tiền để trong các phong bao đỏ bắt mắt.

Đi chùa đầu năm cầu may mắn, bình an và tài lộc cho cả gia đình.

Đi chùa vào năm mới (hatsumoude): Phật giáo cũng là tôn giáo quan trọng trong tín ngưỡng của người Nhật, giống các nước trong khu vực, người Nhật cũng thường đi chùa trong những ngày đầu năm với mong ước năm mới sẽ được an khang, thịnh vượng, có nhiều sức khỏe và phát tài phát lộc, khác biệt là người ta sẽ tới ngôi chùa nằm ở hướng được cho là hướng tốt của năm đó. Họ cũng thường rút quẻ nhưng không có dâng sao giải hạn mà thường nếu rút phải quẻ "xấu" họ sẽ mua một mũi tên để mong hóa giải. Người Nhật cũng có tục khai bút đầu xuân nhưng họ không thắp hương (nhang) khói nghi ngút như người Việt hay người Trung.

Chuẩn bị thiệp (nengajo) ghi lời cảm ơn: Người Nhật luôn chuẩn bị những tấm thiệp cuối năm để gửi đến những người thân yêu trong gia đình hoặc người bạn bè, người có ơn với mình. Sau này thì phổ biến hơn là gửi email, tin nhắn. Những thông điệp này thường được gửi vào mùng 1 và rất được quý trọng, câu chúc mừng năm mới phổ biến của người Nhật là "Happy New Year" chứ không phải những câu chúc truyền thống bằng tiếng Nhật.

Các hoạt động lễ hội mừng năm mới đầy sắc màu tại Nhật Bản.

Mồng 2 và các ngày tiếp theo: Các hoạt động như viết thư pháp, võ, lễ hội trà đạo, ngắm hoa sẽ diễn ra, những ngày tiếp theo thì tùy theo mỗi gia đình, theo sở thích, kế hoạch riêng của họ, đi chơi hay đi du lịch ngắn ngày. Người Nhật đặc biệt thích chơi những trò chơi dân gian vào dịp năm mới là thả diều Takoage, đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi…

Người Nhật rất thích tụ tập ăn uống và đến nhà chúc Tết nhau.

Trong những ngày đón năm mới, người Nhật cũng thực hiện các cuộc thăm viếng đầu xuân, đi chúc Tết, thông thường mỗi nhà sẽ để một cuốn sổ kèm bút trước cổng để khách đến chúc Tết ghi lại tên hoặc lưu danh thiếp lại thông báo đã tới thăm nhà. Người Nhật đặc biệt thích tụ tập họ hàng, bạn bè để ăn nhậu, đó như một nét văn hóa truyền thống đã truyền qua nhiều thế hệ đến nay.

Như vậy, việc thay đổi lịch ăn Tết theo lịch dương của người Nhật không làm họ mất đi những nét văn hóa cổ truyền, nó vẫn được lưu giữ và phát huy cho những thế hệ kế tiếp, chỉ là vào thời điểm khác trong năm. Hiện nay, rất nhiều ý kiến của người dân Nhật Bản mong muốn khôi phục lại Tết cổ truyền theo lịch Âm xưa kia để giữ gìn bản sắc của tổ tiên truyền lại.

Bài liên quan

News feed