Chanel, Dior, LV đã thuyết phục khách hàng tiềm năng "chốt đơn" bằng cách nào?
- Lu Ân
- Đăng lúc: Thứ hai, 13/06/2022 18:19 (GMT +7)
Cạnh tranh gay gắt nhưng Chanel, Dior, LV - không nhãn hàng nào giảm giá để níu chân các thượng đế của mình.
Để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, các thương hiệu xa xỉ đã áp dụng 4 chiêu trò marketing với mong muốn nâng tầm giá trị của họ trong mắt người mua. Không chỉ Chanel, Dior hay Louis Vuitton mà đây là cách để tất cả thương hiệu thời trang cao cấp lôi kéo khách hàng.
1. Video ghi lại quá trình thực hiện sản phẩm, thể hiện sự kỳ công trong quá trình tạo ra sản phẩm
Giá thành đi đôi với chất lượng - để tạo thêm lòng tin cho khách hàng và tranh thủ "đấy giá", các thương hiệu đã sử dụng một biện pháp kinh điển nhưng chưa bao giờ lỗi thời là công bố những video chân thật, ghi lại quá trình nhà mốt tạo ra thành phẩm. Những video này sẽ mang đến cho khách hàng cái nhìn (có vẻ) khách quan nhất về những sản phẩm mà họ sắp bỏ tiền ra mua.
Qua các video này, các nhãn hàng chứng minh sự hoàn hảo trong từng đường kim mũi chỉ. Họ cũng thuyết phục khách hàng tin rằng mình sắp bỏ tiền ra để mua về một "báu vật", khi không ngừng truyền thông về việc các thợ thủ công hàng đầu đã dành hàng trăm tiếng đồng hồ hoàn thiện sản phẩm ra sao, các nghệ nhân đã thực hiện các chi tiết bằng tay với tất cả tình yêu và sự đam mê như thế nào.
Cụ thể, Louis Vuitton tiết lộ chiếc vali hay túi xách của họ đã mất hơn 1000 công đoạn để hoàn thành, Chanel thì công khai quá trình dệt vải tweed phức tạp mà người bình thường nhìn vào chỉ thấy rối mắt, ... Tất cả những điều này không gì khác ngoài việc "thần thánh hóa" các sản phẩm của thương hiệu, giúp họ có thể bán hàng với giá cao hơn.
2. Trải nghiệm tại cửa hàng rất quan trọng
Để biến những khách hàng thành "thượng đế" thật sự, các thương hiệu cũng rất ý thức trong việc nâng cấp chất lượng dịch vụ tại cửa hàng. Giờ đây, không đơn thuần chỉ là một không gian trưng bày, các cửa hàng được xây dựng theo những concept khác nhau, tạo cảm giác sang trọng và đẳng cấp.
Chưa dừng lại ở đó, đi đôi với giá thành, các thương hiệu cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tinh tế đến từng chi tiết. Chẳng hạn, thương hiệu Dior mở cả nhà hàng để phục vụ những khách hàng... đói bụng, hay Louis Vuitton triển khai những gian hàng xe bus phục vụ khách hàng mua sắm tận "chân công trình",... Những trải nghiệm này được tin tưởng sẽ giúp khách hàng gắn bó lâu hơn với thương hiệu.
3. Tạo mối quan hệ với người nổi tiếng
Lựa chọn một cái tên đình đám để gửi gắm thương hiệu là một nước đi khôn ngoan và giúp các thương hiệu đẩy nhanh tiến độ quảng bá. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi vì nếu sự nổi tiếng biến thành tai tiếng, thương hiệu cũng sẽ lãnh đủ.
4. Giới hạn số lượng sản phẩm để gia tăng sự khao khát
Sau khi đã chiếm lĩnh được thị trường, các thương hiệu sẽ dùng sự khan hiếm để đánh mạnh vào tâm lý yêu thích sự độc quyền của người mua. Cụ thể, họ bắt đầu tăng giá nhưng giới hạn số lượng bán ra để khiến những sản phẩm của mình trở nên quý hiếm. Điều này sẽ biến bạn từ một kẻ thờ ơ trở nên hiếu thắng và "trầy da tróc vẩy" chỉ để sở hữu những thứ mà bạn tin là "siêu phẩm".