Chuẩn bị mâm lễ vật cúng giỗ Tổ Hùng Vương gồm những gì?
- Huyền Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ hai, 19/04/2021 09:10 (GMT +7)
Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, người dân lại đổ về đền Hùng dự lễ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nên cúng lễ vật gì, bày biện mâm cỗ ra sao.
"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3"... Lễ hội đền Hùng hay còn được gọi là giỗ Tổ Hùng Vương thường được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch tại đền Hùng (Phú Thọ). Đây là dịp để giáo dục con cháu đạo lý "uống nước nhớ nguồn", khơi dậy tinh thần dân tộc.
Ngày này, mỗi gia đình nếu không về được quê cha đất tổ cũng sẽ cố gắng chuẩn bị một buổi giỗ thật tươm tất để nhớ về cội nguồn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nên cúng lễ vật gì và bày biện mâm cỗ như thế nào để tỏ lòng thành kính, rước tài lộc quanh năm.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cho biết: việc dâng lễ vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương tùy thuộc vào điều kiện mỗi người. Nhưng chủ yếu 2 loại bánh xuất hiện nhiều nhất là bánh chưng và bánh giầy. Ngoài ra, nhiều gia đình còn dâng hoa, làm lễ cúng mặn như xôi, gà, thịt lợn, rượu... Dù lễ vật ra sao thì quan trọng nhất vẫn là lòng thành, cái tâm của mỗi người chứ không phải làm lễ cúng ê hề, mâm cao cỗ đầy nhưng thiếu đi sự thành kính thì không nên.
Tương truyền, vào thời nhà Nguyễn, lễ vật trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương không thể thiếu "tam sinh", gồm: bò, lợn, dê nhưng dần bị mai một theo thời gian. Tuy nhiên, đến nay, việc dùng ông Cầu (lợn) trong mâm cúng giỗ Tổ vẫn được một số địa phương duy trì và đòi hỏi những yếu tố tỉ mỉ.
Điển hình nhất là làng Vy, làng Trẹo (thành phố Việt Trì) khi cúng lợn thường đặt cả con đã mổ sạch, kèm theo tiết lợn cắt được. Bên cạnh đó, một số làng cúng cá chép như ở huyện Cẩm Khê, dâng lễ có xôi ngũ sắc như ở huyện Thanh Sơn hoặc có nơi quy định đồ dâng lễ nhất định phải có thịt trâu đen như ở huyện Đoan Hùng, Yên Lập.
Hàng năm, giỗ Tổ thường được tổ chức tại đền Hùng và thu hút hàng triệu người dân cũng như du khách thập phương về dự. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để về đất tổ dự lễ. Vì vậy, mọi người có thể tự làm mâm cơm cúng giỗ Tổ Hùng Vương ngay tại nhà, đơn giản nhưng vẫn đủ thành kính.
Tùy theo ý muốn và điều kiện, mâm cúng giỗ Tổ Hùng Vương có thể làm lễ chay hoặc lễ mặn:
Đối với lễ chay gồm: 18 chiếc bánh chưng, 18 chiếc bánh giầy.
Đối với lễ mặn gồm: thịt lợn, thịt bò, thịt dê. Tuy nhiên, gia chủ hoàn toàn có thể thay thế bằng thịt gà luộc.
Ngoài ra, hoa quả, trầu cao, muối, gạo, nhang, một ly nước sạch cũng là những lễ vật không thể thiếu trên mâm cúng chay và mặn.
Sở dĩ xuất hiện con số 18 bởi chúng đại diện cho 18 đời vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho sự đối lập giữa âm - dương, trời - đất, vuông - tròn nhắc nhở mọi người đến đạo lý "uống nước nhớ nguồn", công ơn sinh thành, dưỡng dục... Bên cạnh đó, theo tín ngưỡng phồn thực và triết lý "Nõ - Nường - Chày - Cối - Chưng - Dày" thì 2 loại bánh trên là biểu tượng cho cha Rồng, mẹ Tiên cũng như sự sinh sôi, nảy nở.
Ngày nay, mâm cúng giỗ Tổ Hùng Vương đã được đơn giản đi rất nhiều, không bắt buộc phải có đủ các món như mâm cúng truyền thống. Gia đình nào không có điều kiện chỉ cần làm đơn giản sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa vùng miền bởi quan trọng nhất vẫn là lòng thành, cái tâm hướng về nguồn cội.