Cốm Tú Lệ , thức quà gây thương nhớ khi thu về của Tây Bắc

Không chỉ nổi tiếng với “mùa vàng”, mùa thu Tây Bắc còn có một thức quà khiến ai cũng thương nhớ - cốm Tú Lệ.

Hashtag: Đặc sản Tây Bắc Đặc sản Việt Nam

Nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ nhưng dịu dàng, Tây Bắc dễ dàng khiến người ta xiêu lòng với những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả. Nhưng đâu chỉ có vậy, nếu dừng chân ở Tây Bắc vào mùa thu, bạn sẽ được thưởng thức cốm Tú Lệ - thức quà nơi rẻo cao. Không giống nhiều loại cốm khác, cốm Tú Lệ có màu xanh nhạt bắt mắt, hạt mẩy tròn, căng mịn, thơm lừng, chắc chắn sẽ khiến bạn phải thương nhớ. 

"Mùa vàng" trên Tây Bắc. Ảnh: Nguyễn Hồng Thu Trang.

Cốm Tú Lệ là đặc sản Tây Bắc được nhiều người yêu thích. Bởi không phải mùa nào cũng có thức quà này. Chỉ khi thời tiết bắt đầu se lạnh, chuyển từ hạ sang thu thì người dân địa phương mới bắt đầu quy trình làm cốm. Có người cho rằng, vùng đất Tú Lệ dường như nhận được sự ưu ái của mẹ thiên nhiên. Đất có nhiều khoáng chất, khí hậu mát mẻ cộng thêm việc được tưới nước suối đổ từ đỉnh Khau Phạ… tạo nên hương vị đặc biệt đến như thế cho cốm Tú Lệ.

Cốm Tú Lệ - Thức quà nơi rẻo cao.

Vào mùa làm cốm, ngay từ sáng tinh mơ, người dân bản địa bắt đầu ra đồng lựa những hạt lúa vẫn còn trong thời kỳ uốn câu. Sau đó phải bắt đầu làm cốm để giữ được hương vị thơm ngon và có màu xanh bắt mắt. Tất cả quá trình làm nên “hạt ngọc xanh” Tây Bắc đều được làm thủ công, từ tuốt lúa, đãi nước cho đến rang cốm. 

Người dân làng bản Tú Lệ đang đập lúa.
Mọi công đoạn đều được làm thủ công. - Ảnh: trang.inr
Khi rang lúa phải đảo đều tay, tránh hạt bị cháy.

Khi rang xong, lúa được để nguội. Sau khoảng 10 lần giã thì vỏ trấu sẽ tách ra, để lộ hạt cốm xanh nhàn nhạt. Người dân sẽ dùng sàng để lựa chọn ra những hạt cốm mẩy, căng mịn rồi gói lại bằng lá dong. Vì thế mà hương vị và độ dẻo của cốm Tú Lệ đều được giữ trọn vẹn. 

Sau 10 lần giã, vỏ trấu rơi ra khỏi lúa rồi lại được sàng để tạo nên những thức quà của Tây Bắc. Ảnh: themnhodai

Cốm có màu xanh nhạt, đặc trưng của lúa, ngon nhất là ăn khi mới làm xong. Hương vị thơm lừng trên đầu lưỡi bắt đầu lan tỏa đi khắp khoang miệng. Hạt cốm dẻo dẻo, mềm mềm, lúc đầu có chút đắng nhưng sau lại chuyển sang vị ngọt thanh. Ngoài kiểu ăn trực tiếp, cốm Tú Lệ cũng thường được ăn cùng chuối chín, hồng đỏ hoặc dùng làm nguyên liệu nấu xôi, chè và một số món ăn khác như: chả cốm, tôm rán, nem rán…

Ảnh: huynhlinh_131

“Mùa vàng” đã về trên vùng đất Tây Bắc, hương cốm cũng vì thế mà dập dìu khắp bản làng Tú Lệ. Thu đến rồi, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng bức tranh mùa vàng và trải nghiệm mùa cốm non - thức quà nơi rẻo cao Tây Bắc. 

 

Bài liên quan

News feed