Con bị biến chứng tay chân miệng nặng vì cha mẹ trị bằng đơn thuốc cũ
- Thanh Le
- Đăng lúc: Thứ sáu, 16/10/2020 12:32 (GMT +7)
Bệnh nhi bị tay chân miệng, nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, đáng lưu ý, bố mẹ của bệnh nhi đã tự điều trị cho con bằng đơn thuốc cũ.
Bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết đây đang là thời điểm bệnh chân tay miệng bùng nổ. Hiện bệnh viện đang điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhi mắc căn bệnh này trong đó có 1 trường hợp bệnh nhi 4 tháng tuổi mắc tay chân miệng kèm theo bội nhiễm da nặng.
Bệnh nhi nói trên nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, điều đáng nói là bố mẹ của cháu bé đã tự điều trị cho con bằng đơn thuốc cũ.
Theo bác sĩ Đặng Thị Thúy, bệnh tay chân miệng đa phần đều diễn biến nhẹ, điều trị không quá phức tạp, nhưng nếu bệnh không được điều trị đúng cách thì các bệnh nhi sẽ dễ bị bội nhiễm.
Bệnh này xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu đặc trưng như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Bác sĩ lưu ý, nếu bệnh ở thể nặng thì có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam cho hay từ đầu năm đến nay, cả nước có 38.704 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 20.536 trường hợp nhập viện.
Bệnh tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ nam (chiếm 60%), trẻ nữ chiếm 40% tổng số mắc, đa phần diễn ra ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi. Trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 84%) và dưới 1 tuổi (chiếm 18%).