Mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch. Căn bệnh là một gánh nặng cho xã hội, có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, cũng như đòi hỏi hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc, điều trị.
Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, cho biết những thông tin trên tại Họp báo Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17, ngày 14/10.
Nghiên cứu của Hội Tim mạch học Việt Nam cũng cho thấy, khoảng 25% dân số Việt Nam mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt những năm trở lại đây người bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ, rất nhiều người đang trong độ tuổi lao động.
Theo thống kê, những năm 1980, chỉ có khoảng 10% người dân mắc bệnh huyết áp. Sau 40 năm, cuộc sống hiện đại và no đủ hơn, cứ 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp, tốc độ tăng trung bình 15% mỗi năm.
Bệnh tim mạch và các tai biến tim mạch càng ngày nhiều ở lứa tuổi trẻ từ 25-40, với nhiều nguyên nhân phổ biến như lạm dụng rượu bia; hút thuốc (cả chủ động lẫn thụ động); ít vận động; thừa cân, có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp; thức khuya, căng thẳng, bị áp lực về tâm lý...
Ông Hùng nhấn mạnh, người mắc bệnh tim mạch cần giữ gìn sức khỏe, có chế độ ăn uống, tập luyện lành mạnh, bỏ thói quen xấu để chung sống hòa bình với bệnh.
Với người khỏe mạnh, ông khuyến cáo cần phải chủ động phòng ngừa sớm bệnh lý tim mạch qua việc điều chỉnh các thói quen ăn uống và chế độ sinh hoạt.
Bình luận