Cuộc giao thoa của thời trang và hội họa (Phần 2)
- An Tê
- Đăng lúc: Thứ bảy, 20/02/2021 16:25 (GMT +7)
Nghệ thuật luôn được xem là một lĩnh vực nhiều cảm tính, và trường hợp đối với thời trang cũng không phải ngoại lệ.
Thời trang vẫn bị một nhóm người xem là thứ phù phiếm, tầm thường và không thể được đứng vào hàng ngũ 7 môn nghệ thuật tôn nghiêm. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Tất nhiên, không phải tất cả thời trang đều là nghệ thuật nhưng không thể phủ nhận và rũ bỏ tầm ảnh hưởng và tầm nhìn mang tính cách mạng của các cá nhân trong ngành thời trang.
Andy Warhol
Nhà nghệ sĩ theo phong cách Pop Art Andy Warhol được biết đến nhiều nhất với những tác phẩm đồ họa.
Chiếc váy Campbell’s Souper nổi tiếng được lấy cảm hứng từ tác phẩm Campbell’s Soup Cans của Andy năm 1962. Thiết kế này đã chứng minh được ý nghĩa về mặt văn hóa và sự kết hợp hoàn hảo của cả nghệ thuật và thời trang. Chính tác phẩm của Andy Warhol đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thiết kế nổi tiếng, và xuất hiện với tần suất lớn trên đường băng tại các kinh đô thời trang.
Từ Dior đến Calvin Klein đều mang các bản phác thảo, hình vẽ của Warhol vào thiết kế. Đồng thời ông cũng kí kết hợp đồng được phép sử dụng các tác phẩm của mình vào thiết kế.
Katsushika Hokusai
Trong số 36 tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của núi Phú Sĩ của họa sĩ Katsushika Hokusai, The Great Wave off Kanagawa đã trở thành một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất bậc nhất. Sự ảnh hưởng của nó không chỉ giới hạn trong hội họa cổ điển, mà còn lan rộng đến nền văn hóa đại chúng và đặc biệt trong ngành công nghiệp thời trang.
Thiên tài Alexander McQueen đã tạo nên chiếc váy dạ hội phủ đầy cườm lấp lánh với hình ảnh cơn sóng thần của Hokusai và bầu trời màu vàng cam trong bộ sưu tập Haute Couture Xuân - Hè 1998. Còn với John Galliano, khi còn làm tại Dior, ông đã thiết kế lại mẫu áo khoác trứ danh với kiểu dáng kết hợp kimono cùng các nếp gấp origami và hình ảnh mây sóng được thêu, vẽ tay dọc theo chân áo khá độc đáo.
Lucas Cranach The Elder
Năm 2014, hai nhà sáng tạo Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccioli của Valentino đã mang đến một chiếc đầm được thêu thủ công tinh xảo cho buổi trình diễn Haute Couture Xuân-Hè của mình. Nổi bật trên chiếc đầm là hình ảnh bức tranh của họa sĩ Phục hưng người Đức Lucas Cranach the Elder trong bộ dạng cải biên - một tác phẩm với nguồn cảm hứng bất tận từ hình thêu mô tả cảnh Adam và Eva đang cầm quả cấm trong Vườn Địa Đàng.
Georgia O'Keeffe
Họa sĩ Georgia O’Keeffe đã gây được tiếng vang lớn và nhận được sự ngưỡng mộ của công chúng đối với những bức tranh về những bông hoa đang nở rộ, hay những tòa nhà chọc trời ở New York và ngay cả những cảnh quan ở Alex Prager.
Georgia O’Keeffe trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với Giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri. Maria đã mang hình ảnh của Georgia O’Keeffe vào bộ sưu tập Cruise đầu tiên của mình tại Dior vào năm 2018 với sự sang trọng, mang đậm dấu ấn khắc kỷ, tông màu đất đầy mộc mạc.
Các nghệ sĩ khác cũng bày tỏ lòng tôn kính với bà thông qua những bức tranh táo bạo và mạnh mẽ. Từ những hình tượng như xương đầu linh dương, hình ảnh đồ họa đến những bông hoa anh túc đầy nữ tính và rực rỡ của Michael Kors, các tác phẩm của O’Keeffe như một nguồn cảm hứng vô tận cho giới thời trang.