Đã có 4 ca Covid-19 tiên lượng nặng, một người phải can thiệp ECMO
- Kelly Tran
- Đăng lúc: Thứ hai, 10/05/2021 23:28 (GMT +7)
Bốn bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đều mắc bệnh lý nền, diễn tiến nặng, được các chuyên gia hội chẩn chiều 10/5.
Theo VnExpress, cả 4 ca bệnh chuyển nặng này đã được Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, hội chẩn trực tuyến toàn quốc điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng vào chiều 10/5. Tiến sĩ Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết trong 4 bệnh nhân có một ca phải can thiệp ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) là "bệnh nhân 3019", quê Thái Bình.
Cụ thể, sau hơn 1,5 tháng điều trị ở Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân 54 tuổi được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hôm 9/4 với chẩn đoán viêm hạch, tràn dịch màng phổi, theo dõi viêm phổi trên nền bệnh nhân suy thận mạn. Được biết, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm (không điều trị thường xuyên), sỏi thận.
Từ 15/4, bệnh nhân này được chuyển sang cơ sở 2 Đông Anh, ở khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp rồi chuyển sang khoa Hồi sức tích cực hôm 29/4 do ho, khó thở tăng dần, có dịch màng phổi, thở máy từ ngày 30/4. Ngày 4/5, bệnh nhân có kết quả dương tính Covid-19. Do diễn biến nặng lên, một ngày sau đó bệnh nhân được can thiệp ECMO, lọc máu, siêu âm thấy hình ảnh dịch ngoài màng tim, phù nhiều tay. Hiện bệnh nhân vẫn phải thở máy, lọc máu, đặt ECMO, dùng an thần, tình trạng bệnh rất nặng.
Theo đánh giá của cáo sư Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng diễn biến của ca 3019 gần giống bệnh nhân ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cách đây không lâu và "cực kỳ khó". Ngoài tổn thương cũ, với sự tấn công của Covid, bệnh nhân hiện suy đa tạng, tổn thương phổi, tổn thương tim. Các chuyên gia đề nghị xét nghiệm thêm, siêu âm tim bởi bệnh nhân đã có tổn thương tế bào cơ tim do virus.
Ca nặng thứ hai được hội chẩn là "bệnh nhân 3153", 63 tuổi, quê Hải Dương, nhập viện hôm 28/4. Bệnh nhân đã sốt kéo dài hơn hai tháng (thường sốt cao về chiều tối), được chẩn đoán viêm cột sống dính khớp hơn 10 năm, không điều trị, gù vẹo cột sống, chụp CT ngực có hình ảnh viêm phổi kẽ. Cách đây hai ngày bệnh nhân dương tính Covid-19, hiện đã được đặt nội khí quản, thở máy..
Theo các chuyên gia, bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng nhưng chức năng thận chưa tổn thương nhiều. Giáo sư Bình đề nghị bệnh nhân cần bổ sung xét nghiệm như hút đờm, PCR, tuỷ đồ. Về việc có mở khí quản hay không tuỳ thuộc bác sĩ ở bệnh viện dù không dễ dàng. Việc mổ khí quản phải kiểm soát được đường thở.
Hai trường hợp khác được đưa ra hội chẩn là ca 3015 (nam, 54 tuổi quê Gia Lộc, Hải Dương) có tiền sử xơ gan và ca 3028 (nữ, 70 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Ca 3028 là trường hợp vào viện vì sốt kéo dài, mắc đái tháo đường 21 năm, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não di chứng yếu liệt nửa người trái. Cụ bà vào viện hôm 3/4, điều trị ở khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết trên nền nhiều bệnh mãn tính, nhiễm nấm cơ hội, theo dõi viêm phổi. Hôm 5/5, bệnh nhân dương tính với Covid-29, được chuyển khoa Cấp cứu, điều trị được 5 ngày thì cụ bà sốt cao, suy hô hấp tăng, phải đặt ống nội khí quản và chuyển khoa Hồi sức tích cực.
Hiện bệnh nhân thở máy qua nội khí quản, vẫn sốt rất cao (39.3 độ C). Góp ý vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân này, các chuyên gia cho rằng rất cần phải tìm nguyên nhân gây sốt kéo dài, chụp cắt lớp vi tính tìm nguyên nhân kèm theo. Cùng đó, xem xét lại cách dùng kháng sinh cho bệnh nhân này như thuốc chống nấm. Làm thêm siêu âm tim, chụp cắt lớp phổi, điều chỉnh lại máy thở để CO2 giữ giới hạn bình thường, bù dịch.
Đáng chú ý, ngoài một ca phải can thiệp ECMO và 3 ca nặng khác đã hội chẩn hôm nay; còn có 9 bệnh nhân nặng khác, phải dùng oxy gọng kính. Tiên lượng nặng (viêm phổi) 26 trường hợp; Lâm sàng nhẹ 202 trường hợp (chiếm 37,1%).