Đặc sản cá thính muối kỳ công của Vĩnh Phúc
- Hà My
- Đăng lúc: Chủ nhật, 25/07/2021 18:14 (GMT +7)
Cá thính Vĩnh Phúc làm rất kỳ công, qua giai đoạn ủ muối rồi ủ thính cả tháng mới ra được thành phẩm. Có lẽ vì thế mà hương vị cá thính vô cùng hấp dẫn.
Vùng trung du Vĩnh Phúc không chỉ là nơi được biết đến với những địa điểm du lịch thu hút như hồ Đại Lải, Tam Đảo,.. mà nơi đây còn níu chân du khách bằng một loạt những món ngon đặc sản như rau su su, thịt bò tái kiến đốt, rượu dừa Yên Lạc,... Một trong số đó, chúng ta không thể nào không kể tới món ăn có cái tên: Cá thính hay cá thính muối chua.
Cá thính muối là món ăn vô cùng nổi tiếng và được lưu truyền qua nhiều thế hệ ở người dân Vĩnh Phúc và Phú Thọ (trước khi tách tỉnh vào năm 1996 vốn là tỉnh Vĩnh Phúc) . Không chỉ có người địa phương, thậm chí những vị khách khi đến Vĩnh Phúc được thưởng thức món này cũng đều thích thú và dành nhiều thiện cảm cho món ăn.
Đúng với tên gọi, món cá thính được chế biến từ 2 nguyên liệu chính là cá và thính gạo. Mặc dù, không quá cầu kỳ về nguyên liệu, thế nhưng món ăn này lại cần người chế biến phải có sự tỉ mỉ và khéo léo.
Để chế biến được món cá thính thơm ngon nhất, người dân nơi đây phải lựa được những con cá tươi ngon nhất. Cá được chọn làm cá muối thính thường là cá trắm, cá chép và phải là loại cá to. Có thể thịt mới ngon, làm mới không bị hao.
Cá sau khi mang về sẽ được sơ chế sạch sẽ nhưng không cạo vảy, sau đó người ta cắt cá thành từng khúc lại xắt đôi khúc cá để dế ngấm gia vị. Cá sơ chế xong sẽ được ủ với muối theo công thức một lớp cá, một lớp muối khoảng 1 tuần đến 10 ngày sau đó mới bỏ nước nhớt tiết ra từ quá trình ủ muối rồi ủ thính.
Thính được sử dụng để ướp cá được làm từ gạo nếp, gạo tẻ và đỗ tương được rang dưới lửa nhỏ tới khi vàng thơm và giòn đều thì đem đi giã nhỏ. Thính giã càng nhỏ thì càng thấm vào cá, hút dịch cá tốt nên việc giã thính rất quan trọng và đòi hỏi nhiều công sức.
Để cá muối chua được ngon, theo kinh nghiệm của người xưa thì cá bắt buộc phải muối trong hũ sành đã rửa sạch, lau khô. Sau khi trải một lớp thính thật dày ở dưới hũ hành, cứ một lớp cá người làm lại trải một lớp thính để thính giữ cho cá luôn khô. ngoài ra, nhiều người còn thích trải thêm lá ổi để cá muối thính có thêm mùi thơm từ lá.
Sau khi hết cá, hết thính, người ta lại lấy rơm quấn quanh miệng hũ và dùng tre nẹp chặt miệng sau đó đặt ở chỗ cao, thoáng khí. Thươngf muối thính khoảng 2, 3 tuần thì có thành phẩm, tuy nhiên tuỳ thời tiết mà có thể cá thính cần muối lâu hơn. Theo kinh nghiệm cá muối thính càng để lâu thì hương vị càng thơm ngon hơn.
Thành phẩm đạt chuẩn phải có thịt đỏ au hay màu hổ phách, lớp vỏ ngoài ngấm thính sẽ có màu vàng. Thớ thịt ngấm đều gia vị chua, mặn, béo ngậy và dậy mùi thơm đặc trưng của thính. Nhờ sự hỗ trợ đặc biệt từ thính gạo, cá muối chua luôn dậy được mùi thơm, hương vị ngon khó cưỡng và cũng dễ chiều lòng được các thực khách khó tính.
Cá thính đạt chuẩn phải có thịt đỏ au hay màu hổ phách, lớp vỏ ngoài ngấm thính sẽ có màu vàng. Thớ thịt ngấm đều gia vị chua, mặn, béo ngậy và dậy mùi thơm đặc trưng của thính. Sau khi có thành phẩm, người ta sẽ mang cá thính đi rán hoặc nướng, nhưng cá thính nướng có phần được ưa chuộng hơn vì mùi thơm đặc trưng của cá, của thính khi "đi" qua lửa than.
Từ một món ăn vô cùng dân dã của người Vĩnh Phúc, dần dần, cá muối chua cùng thính lại trở thành một món ngon đặc sản và đưa đi đến khắp mọi nơi, phục vụ tại nhiều địa điểm trên đất nước. Nếu có cơ hội được thưởng thức món cá muối chua này, chắc chắn bạn sẽ bị phải lòng ngay từ miếng đầu tiên cho mà xem.