Điểm danh 11 loại bánh đúc của Việt Nam, có loại ăn kèm mắm nêm, thịt vịt
- Pooh
- Đăng lúc: Thứ hai, 06/09/2021 10:53 (GMT +7)
Cứ là món bánh từ bột gạo nhưng mỗi vùng miền lại có một biến tấu bánh đúc khác nhau, ăn ngọt có mà ăn mặn cũng có, rất thú vị!
Bánh đúc vốn là thức quà quê mà hầu như vùng miền nào trên cả nước cùng có. Mang tên là bánh đúc nhưng ở mỗi vùng miền lại có cách chế biến riêng và cách ăn khác nhau không nơi nào giống nhau. Chỉ nhìn vào loạt danh sách các loại bánh đúc chia theo vùng miền này bạn cũng thấy được rằng ẩm thực Việt Nam sao mà đa dạng thế, vừa thân thuộc với các nguyên liệu sẵn có, đặc trưng vùng miền vừa thấy thật tinh tế và sáng tạo biết bao. Chúng ta cùng điểm danh các loại bánh đúc đang có mặt trên bản đồ ẩm thực Việt Nam nhé!
Nội dung chính
1. Bánh đúc lạc
Bánh đúc lạc là loại bánh phổ biến ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là cách tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ. Món ăn dân dã này chỉ có bột gạo pha với nước vôi trong rồi cho vào một nồi đế dày và khuấy liên tục trên lửa nhỏ cho đến khi bột dẻo quánh lại thì điểm thêm ít lạc đã luộc chín và bóc vỏ vào.
Sau khi bột chín và nguội bớt, các bà các mẹ đổ nhanh đó bánh phải được đổ ra một cái mẹt phẳng đã lót sẵn lá chuối tươi, đợi cho nguội hoàn toàn rồi mới cắt miếng. Bánh đúc lạc nhất định phải chấm cùng tương bần để được trọn vị. Bánh dẻo mượt mà quyện với vị béo bùi của lạc cùng với hương vị đậm đà của tương bần vô cùng hấp dẫn. Các cụ xưa thường ăn món bánh đúc lạc vào mùa hè để cho “mát ruột”.
2. Bánh đúc nóng
Khác với bánh đúc lạc ăn nguội, bánh đúc nóng là phải ăn nóng mới ngon. Cũng chỉ với các nguyên liệu là bột gạo, nước và chút dầu ăn, khuấy đều đến khi bột chín sánh thì múc ra bát nhưng bánh đúc thay vì chấm tương, bánh đúc nóng ăn kèm thịt xào và nước mắm pha.
Cụ thể bên trên bát bánh đúc nóng sẽ được cho thêm chút thịt băm sẽ được xào với mộc nhĩ, nấm hương rồi chan nước mắm chua ngọt ấm nóng. Cuối cùng sẽ là chút hành phi và chút rau thơm. Món ăn này rất hợp để thưởng thức trong tiết trời đông lạnh của miền Bắc.
3. Bánh đúc tàu
Nhắc tới món bánh này ai cũng sẽ nghĩ ngay tới Hải Phòng vì đây là nơi được coi quê hương của món ăn này. Bánh đúc tàu có nguồn gốc từ người Hoa. Một bát bánh đúc tàu gồm bánh đúc cắt nhỏ rồi thêm thịt ba chỉ và tôm chiên chung, rắc thêm chút đu đủ xắt hạt lựu được chế biến rất tài tình có màu hạt điều đẹp mắt lại tạo hương vị đặc trưng cho món ăn, chút mộc nhĩ thái nhỏ. Sau đó sẽ được chan thêm nước mắm giấm ớt, tùy vào sở thích của mỗi người mà có thể thêm ớt nhiều hoặc ít.
4. Bánh đúc ngô
Bánh đúc ngô là món ăn quen thuộc ở Lào Cai, thường được bày bán ở các buổi chợ phiên vùng cao. Bánh được làm từ ngô tẻ. Ngô tẻ thu hoạch về được nghiền mịn sau đó ngâm với nước đã hòa nước vôi trong. Thời gian ngâm trung bình là 2 ngày 2 đêm sau đó thu được một lượng bột ngô mịn mượt rồi đem đi nấu cho chín giống như cách chế biến bánh đúc lạc thông thường. Bánh thường được chan một ít nước chua và rau gia vị ăn kèm. Nước chua được bà con tự chế biến từ một loại giấm đặc trưng lên men.
5. Bánh đúc nộm
Bánh đúc nộm được coi là món ăn giải nhiệt mùa hè, thường được bán tại các quán vỉa hè ở Hà Nội. Cũng chỉ là phần bánh đúc nguội không có lạc thái sợi rồi chan lên phần nước canh, nước được làm từ cốt lạc vừng tạo độ bùi và ngậy. Tùy từng tiệm có hoặc không có giá đỗ chần đi kèm. Khi ăn, thực khách sẽ ăn kèm các loại rau sống, giòn mát. Món ăn này cực kỳ hợp để thưởng thức trong những ngày hè oi ả.
6. Bánh đúc riêu cua
Đây từng là món quà quen của người dân Bắc Bộ nhưng hiện không còn nhiều nơi bán. Món này gồm bánh đúc không nhân được thái sợi sau đó chan riêu cua đang còn nóng hổi vào. Cái hồn của bánh đúc riêu cua chính là riêu cua vừa phải chua thanh lại nhiều gạch ánh lên sắc đỏ của cà chua xào. Ăn bánh đúc riêu cua sẽ dùng kèm với rau ghém, rau muống chẻ nhỏ, trộn chung với bắp chuối và thân cây chuối tây còn non thái mỏng, ngoài ra sẽ cần thêm chút rau húng láng, kinh giới, vài ngọn lá ngổ, tía tô.
7. Bánh đúc hến
Bánh đúc hến là món ăn đặc sản của xứ Nghệ. Trước đây, người Nghệ An dùng gạo gié đỏ để nấu bánh đúc. Giờ loại gạo ấy được thay bằng các loại gạo khác nhưng quy trình để hạt gạo thành bánh đúc vẫn đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ biết chừng nào. Phải khuấy liên tục bằng một đôi đũa cả thật chắc và lâu mới được như vậy. Bánh đúc sau khi chín sẽ đổ ra rổ tre có lót lá chuối tươi chờ nguội sau đó mới cắt thành hình quần cơ.
Hến thì thường là hến được bắt từ sông Lam. Luộc hến lên, phần nước để riêng, ruột hến đem phi hành mỡ cho săn lại và thấm gia vị. Khi ăn cho bánh đúc vào bát, thêm chút ruốc bể, chút hành hoa, mùi tàu thái nhỏ, lạc rang giã dập, hến xào rồi tưới thêm ít dầu phi và rau sống nữa. Có người ăn trộn vậy nhưng cũng có người sẽ rưới thêm chút nước luộc hến vào rồi mới thưởng thức.
8. Bánh đúc lá dứa
Đây là loại bánh đúc ngọt đặc trưng của miền Nam với phần bột bánh mềm béo ngậy của nước cốt dừa kết hợp với mùi lá dứa thơm phức. Bánh có màu xanh vì được hòa lẫn nước lá dứa trong quá trình nấu. Bánh đúc lá dứa sẽ được ăn kèm với nước cốt dừa được nấu với chút bột năng cho sánh và nước đường nấu cho kẹo lại rồi rắc một ít lạc rang thơm bùi lên trên.
9. Bánh đúc mặn
Bánh đúc mặn là món ăn đặc sản của người miền Tây. Bột bánh thơm ngậy nhờ nước cốt dừa và vị mặn của tôm thịt ăn kèm. Một phần bánh đúc mặn sẽ gồm bánh đúc thái miếng ở trên rắc một lớp tôm thịt rang ở trên, cuối cùng là rưới mỡ hành và nước mắm chua ngọt. Món này sẽ ăn kèm với rau sống và dưa leo xắt mỏng.
10. Bánh đúc mắm nêm
Bánh đúc mắm nêm có màu trắng, ăn với mắm nêm ớt càng cay càng ngon. Bánh đúc mềm dẻo dai, hoà quyện với hương vị thơm ngon, đậm đà của mắm nêm vô cùng tuyệt vời. Món bánh này phổ biến ở các tỉnh miền Trung đặc biệt là ở Huế, bạn có thể tìm thấy ở khắp các khu chợ.
Ngoài ra ở xứ Quảng còn có bánh đúc gạo lứt cũng ăn kèm với mắm nêm.
11. Bánh đúc thịt vịt
Làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị nổi tiếng với món bánh tét mặt trăng nhưng ở đây còn có một món ăn nữa hết sức đặc sắc đó là món bánh đúc thịt vịt hay còn được gọi là cháo đặc, có từ rất lâu đời. Bánh đúc được nấu từ hạt gạo với nước dùng từ xương vịt. Phải nấu nhỏ lửa ninh cho tới khi hạt gạo nhừ thì mới cho thêm lạc vào. Khi nồi bánh sôi sền sệt, gạo và lạc chín thì cho thịt vịt băm nhỏ vào và trộn đều. Bánh chín đổ ra mẹt đã lót sẵn lá chuối tươi rồi rắc rau gia vị băm nhỏ lên trên, lại thêm một lớp lá chuối sạch đặt lên trên rồi ép nhàng để cho mặt bánh chặt và chắc rồi để bánh nơi thoáng gió chờ nguội.