Vì Covid-19, dân Mỹ chuyển sang ăn xin trực tuyến
- Thu Trần
- Đăng lúc: Thứ tư, 04/11/2020 13:51 (GMT +7)
Sự phổ biến của các nền tảng thanh toán trực tuyến, ảnh hưởng của Covid-19 khiến nhiều người Mỹ lên mạng xã hội xin tiền cho mục đích cá nhân.
Một hiện thực gần đây tại Mỹ là rất nhiều người lên mạng xã hội để xin tiền thông qua các nền tảng thanh toán trực tuyến.
Sinh viên đại học xin tiền để mua đồ tạp hóa, tài xế cần tiền sửa xe, một công nhân thất nghiệp vì Covid-19, một bà mẹ đơn thân cần tiền để trang trải học phí của con... Tất cả đều lên Twitter để xin.
Họ không phải xin hàng nghìn USD, mà chỉ là vài USD. Bởi đây là số tiền lẻ mà những người trên mạng xã hội có thể dễ dàng cho, nhờ sự phổ biến của các nền tảng thanh toán điện tử.
Jenna Drenten, nhà nghiên cứu Xã hội học tại Đại học Loyola, Chicago nói: "Ngày càng nhiều người xin tiền trên Twitter, TikTok và Instagram thông qua những nền tảng thanh toán trực tuyến, như PayPal, Venmo, Cash App và Zelle". Điều này khác hoàn toàn với việc quyên góp từ cộng đồng. Đó không phải sự kiện gây quỹ trực tuyến, nhưng cũng không phải một hình thức đòi nợ. Mà đó gọi là ăn xin trực tuyến.
Được biết, ở Mỹ, việc xin tiền người lạ vốn bị kỳ thị từ lâu. Bởi chủ nghĩa cá nhân tại đất nước này ngầm khẳng định rằng nếu bạn không làm được điều gì, đó là lỗi của chính bạn. Nếu cần đến sự trợ giúp, bạn phải tìm đến lòng hảo tâm của các tổ chức hoặc gia đình.
Thế nhưng giờ đây, bạn có thể lên Internet để xin tiền. Các nền tảng thanh toán trực tuyến như PayPal, Venmo, Cash App và Zelle giúp việc xin và cho tiền trở nên dễ dàng hơn.
Theo thống kê cho thấy, hơn 60% thanh thiếu niên ở Mỹ sở hữu ít nhất một trong những nền tảng thanh toán. Nghiên cứu mới nhất của Zellepay công bố vào tháng 3/2019 cho thấy: 50% người lần đầu dùng thanh toán trực tuyến là trên 45 tuổi. Không chỉ người trẻ, cả những người lớn tuổi ở Mỹ cũng quan tâm đến hình thức thanh toán không tiền mặt.
Theo đó, bạn bè dùng ứng dụng di động có thể chia tiền ăn tối, tiền phòng với nhau. Doanh nghiệp có thể dùngtcác ứng dụng này để nhận thanh toán từ người tiêu dùng. Từ đó, th koói quen thanh toán trực tuyến trở nên phổ biến và kéo theo một xu hướng mới: Xin tiền từ những người lạ qua mạng xã hội.
Quá trình này diễn ra rất đơn giản. Ai đó đăng một bài viết trên mạng xã hội về nhu cầu tài chính của mình kèm thông tin chi tiết về nền tảng thanh toán ngang hàng thường sử dụng, gồm: Tên, số tài khoản hoặc đường dẫn liên kết. Sau đó nhờ bạn bè chia sẻ bài viết. Thế là chỉ với vài cú nhấp chuột, một người lạ có thể tình cờ nhìn thấy bài đăng và hoàn tất việc cho tiền theo lời "kêu cứu". Trong trường hợp này, tiền được chuyển thẳng từ người cho đến người xin - một kiểu "ăn xin" hiện đại, nhanh gọn, mới mẻ.
Và để được nhiều người chú ý hơn, những bài đăng tìm kiếm trợ giúp này được chia sẻ trên nhiều kênh khác nhau nhằm. Những nút "chia sẻ", "thích", "đăng lại" và "xuất bản" đa nền tảng đã tạo ra nhiều tiềm năng hơn cho nhu cầu ăn xin trực tuyến.
Trong khi, quyên góp từ cộng đồng có thể lên đến hàng trăm nghìn USD thông qua các sự kiện chính thức, lý do chi tiết và cách sử dụng tiền, thì những người ăn xin trực tuyến lại hành động ngược lại. Họ không xin nhiều tiền và lý do được đưa ra rất đơn giản, như thanh toán tiền điện nước, mua thực phẩm...
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc xin tiền trực tuyến ngày càng nở rộ hơn do sự thiếu hụt về nguồn tài chính công cho những cá nhân đang phải vật lộn để có thể chi trả tiền nhà, học phí hoặc y tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên ở một mặt nào đó, sự gia tăng của mô hình ăn xin trên mạng xã hội có thể làm thay đổi tư duy "người nghèo ăn xin". Đồng thời làm thay đổi ít nhiều những lầm tưởng về đạo đức, sự kỳ xoay quanh vấn đề nghèo đói.