Giáo sư Nguyễn Tài Thu là ai? Vì sao ông được xưng tụng là "Thần kim"?
- ThanhPham
- Đăng lúc: Thứ hai, 15/02/2021 07:17 (GMT +7)
Giáo sư Nguyễn Tài Thu (1931 - 2021) là nhà giáo, thầy thuốc nhân dân đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho ngành Y học cổ truyền Việt Nam và thế giới.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu qua đời là nỗi mất mát lớn của ngành châm cứu Việt Nam. và nền Y học cổ truyền dân tộc. Ông đã ra đi nhưng những thành tựu y học to lớn mà ông gây dựng suốt cuộc đời vẫn sẽ tiếp tục được nhân rộng, truyền thụ qua các thế hệ, tiếp tục cứu chữa cho nhiều người bệnh.
Tiểu sử giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tài Thu
Giáo sư Nguyễn Tài Thu sinh ngày 4/6/1931 tại thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Những năm 1945 – 1946, khi đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, phải tận mắt chứng kiến nhiều người bị thương và chết do bom đạn, chàng thanh niên Nguyễn Tài Thu khi ấy cháy bỏng ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Sau này, ông theo học Đông y, đặc biệt là chuyên sâu về châm cứu chữa bệnh, ông từng lấy cơ thể mình thực nghiệm rồi mới đụng kim châm vào người khác.
Năm 1953, khi đang học năm nhất trường Đại học Y Khoa (nay là Trường Đại học Y Hà Nội), ông được cử đi học tại Trung Quốc trong 6 năm chuyên về Đông y. Năm 1958, Ông tốt nghiệp bác sĩ Đông y ở Trung Quốc và trở về công tác tại nhiều bệnh viện quân đội và địa phương.
Năm 1967, ông đi sâu nghiên cứu ngành Châm cứu tại phòng mạch của Hội Đông y, phố Tông Đản, Hà Nội. Ông bắt đầu nghiên cứu dùng các cây kim có độ dài khác nhau để chữa bệnh. Tới năm 1968 từ đề xuất của ông, Hội Châm cứu đầu tiên của Việt Nam hình thành, ông cùng cộng sự đã phát triển Hội Châm cứu Việt Nam có những bước phát triển rực rỡ với hàng chục ngàn hội viên, đào tạo hàng trăm cán bộ châm cứu trình độ sau đại học…
Giáo sư Nguyễn Tài Thu không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà còn vang danh ở rất nhiều quốc gia thế giới trong lĩnh vực châm cứu, được đồng nghiệp và công chúng xưng tụng là "Thần kim", "Ông vua châm cứu", "Cây kim vàng"... bởi tài năng y học xuất chúng và những công trình nghiên cứu có giá trị vô cùng to lớn.
Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Anh hùng Lao động của Việt Nam.Trước khi qua đời, ông đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam và Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam.
Sự nghiệp nhiều vinh quang của giáo sư Nguyễn Tài Thu
Trong suốt sự nghiệp thầy thuốc và nghiên cứu y học của mình, giáo sư Nguyễn Tài Thu đi sâu nghiên cứu châm cứu, sau đó gây dựng Hội Châm cứu Việt Nam và đây chính là nền móng cho Bệnh viện Châm cứu Trung ương sau này. GS mở hơn 500 lớp học truyền nghề cho cả quân y, dân y trên nhiều tỉnh thành Việt Nam và đã cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân trên khắp cả nước khỏi những căn bệnh hiểm nghèo.
Ông có giao lưu về khoa học kỹ thuật với 38 nước trên thế giới và là Giáo sư, Tiến sĩ danh dự của 16 trường đại học nước ngoài, đồng thời ông đã để lại một di sản to lớn gồm hàng chục cuốn sách về châm cứu và lý luận Đông y như Tân châm, Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, Thủy châm, Nhĩ châm, Mai hoa châm, Điện châm…, làm "cẩm nang" cho hàng ngàn y, bác sĩ sau này.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu là người đã phát minh và khởi xướng hai kỹ thuật Châm tê và Châm cứu để cai nghiện ma túy (được Bộ Y tế cho phép triển khai với tỷ lệ cắt cơn rất cao, chỉ có 5% đến 10% tái nghiện), phương pháp này cũng đã được giới thiệu tới gần 50 quốc gia.
Ngoài ra, phương pháp Điện châm gây tê cho phẫu thuật của ông đã được thực hiện trên 100.000 ca mổ gồm 60 loại phẫu thuật khác nhau đạt kết quả 98,3%. Ông cũng đã áp dụng thành công kỹ thuật Mãng châm với cây kim có chiều dài tới 60 cm để đi vào các huyệt sâu trong cơ thể, có hiệu quả cao trong chữa bệnh.
Đặc biệt trường phái Tân châm do GS Tài Thu khởi xướng sử dụng kim dài châm xuyên huyệt theo đường kinh lạc hiệu quả chữa bệnh gấp nhiều lần so với trường phái khác và đã điều trị hiệu quả các loại bệnh cấp mãn tính như thần kinh tọa, rối loạn tiền đình, đau đầu, mất ngủ, tai biến mạch máu não, chữa bệnh béo phì, rối loạn thần kinh thực vật, cắt cơn hen phế quản…cho hàng ngàn bệnh nhân trên cả ngước và thế giới..
Năm 1995, GS nhận danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, năm 1999 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2000 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, nhận giải thưởng Nhà nước về công trình "Nghiên cứu phát triển lý luận và hoàn thiện kỹ thuật phương pháp tân châm trong chữa bệnh.
Năm 2005 được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Tháng 10/2012, ông được vinh danh là công dân tiêu biểu của Thủ đô.
Một con người giản dị, đa cảm và hết lòng cống hiến cho y học cổ truyền
Cả đời Giáo sư Tài Thu đã gắn bó với cây châm, với người bệnh. Ông luôn nung nấu làm thế nào để chữa bệnh cho người dân đỡ đau đớn, đỡ tốn kém nhất. Theo ông, chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu là phương pháp y học cổ truyền không đòi hỏi chi phí cao mà lại có hiệu quả tốt, điều trị được nhiều loại bệnh khó và mãn tính.
Bí quyết chữa bệnh của ông không chỉ từ bàn tay vàng và những cây châm "thần kỳ" mà còn ở tình yêu dành cho bệnh nhân. Ông từng tâm sự: "Làm thầy thuốc, trước hết phải có một trái tim dễ rung động trước nỗi đau của người khác, tôi là người rất dễ xúc động, dễ khóc nhưng trái tim và tâm trí tôi rộng rãi lắm, chẳng thù hằn ai điều gì"
Vợ giáo sư Nguyễn Tài Thu là người Hà Nội gốc, năm nay cũng đã 82 tuổi, ông có 3 người con là Thu Hương, Minh Quân và Thu Mai. Tất cả con cháu, dâu rể trong gia đình giáo sư Nguyễn Tài Thu đều theo nghề y. Đáng tiếc là người con trai độc nhất của ông là Minh Quân không may mất sớm từ năm 1990, đây cũng là nỗi buồn vô hạn theo ông suốt cuộc đời chưa lúc nào nguôi ngoai.
Một con người giàu tình yêu thương, một trái tim nhân hậu, một nhà giáo, thầy thuốc hết lòng vì nhân dân đã về với cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông sẽ mãi lưu danh trong lịch sử ngành Y học Việt nam như một biểu tượng y đức và tài năng kiệt xuất nhất từ trước đến nay.