Học cách bảo toàn mạng sống khi xe bốc cháy

Từ vụ ô tô bốc cháy khiến tài xế tử vong vào sáng 14/12 vừa qua, bạn cần có những kỹ năng này để có thể tự cứu mình khi gặp hỏa hoạn.

Sáng 14/12, tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh xảy ra vụ tai nạn bốc cháy xe ô tô. Cụ thể, một chiếc ô tô mang biển số 15A đang lưu thông qua địa bàn Yên Tử thì bất ngờ đâm vào vách núi, khiến xe bị lật ngửa rồi bốc cháy. Hậu quả tài xế tử vong ngay tại chỗ, 2 người phụ nữ đi cùng may mắn thoát nạn.

Một vụ tai nạn bốc cháy xe ô tô xảy ra tại Quảng Ninh.

Trên thực tế, tình trạng cháy xe xảy ra rất nhiều ở giao thông trên thế giới, hiện đang là một trong những mối nguy hiểm đe dọa tới sự an toàn của hành khách trên xe. Tại Mỹ, ước tính số người chết vì cháy xe trong năm 2019 là 644 người trên tổng 223 nghìn vụ, nhiều hơn số vụ cháy chung cư ở quốc gia này.

Trong đó, 75% nguyên nhân cháy là xe không được bảo trì định kỳ, gặp sự cố hoặc trục trặc về hệ thống điện, cơ. 3% đến từ các vụ va chạm hoặc lật xe gây ra tình trạng cháy ô tô nhưng lại khiến 57% các trường hợp tử vong. Trên 30% số người thoát nạn là nhờ nỗ lực tự giải cứu và thoát hiểm của bản thân.

Một trong những mối nguy hiểm nhất đến từ các vụ nổ cháy ô tô là từ khói độc. Bởi xe được làm từ nhiều vật liệu tổng hợp nên chúng sẽ tạo ra chất độc gây chết người khi bị đốt cháy. Bên cạnh đó, sức nóng trên 800 độ của ngọn lửa sẽ gây bỏng cũng dễ dẫn đến tử vong hoặc suy nhược. Một mối lo nữa là khi va chạm, các bộ phận trên xe như kính, vật nhọn bị vỡ ra và bắn xa cả chục mét, cũng là nguyên nhân gây chết người.

Một trong những mối nguy hiểm nhất đến từ các vụ nổ cháy ô tô là từ khói độc.

Vậy cần làm gì khi ô tô cháy?

Các chuyên gia khuyên rằng, điều đầu tiên bạn cần làm khi chiếc xe bốc cháy là hết sức bình tĩnh. Sự hoảng loạn sẽ khiến bạn lãng phí những giây phút quý giá, dễ khiến hành động sai lầm và làm hậu quả thêm nghiêm trọng.

Nếu xe đang di chuyển, cần nhanh chóng bật đèn tín hiệu và rẽ vào lề đường. Ngay lập tức di chuyển hành khách xuống xe càng sớm càng tốt. Trong khi đó, tài xế đỗ xe, bật đèn cảnh báo trước khi tắt máy để ngắt dòng điện và ngắt đường bơm xăng. Lưu ý nên đứng cách chiếc xe bốc cháy trên 30m, cảnh báo các phương tiện khác biết về sự cố và thông báo cho lực lượng chức năng đến cứu trợ kịp thời.

Không mở mui hoặc cốp xe nếu nghi ngờ có nguồn lửa bốc lên bởi làm thế sẽ khiến không khí tràn vào nhanh hơn và đám cháy mạnh hơn. Dùng bình chữa cháy đúng cách và giữ khoảng cách an toàn với đám cháy. 

Cửa trời xe ô tô.

Trong trường hợp không thoát ra được xe, hãy tháo dây an toàn, mở khóa cửa, hạ kính, mở cửa sổ trời. Nếu không thể mở cửa, dùng hai chân chống vào cửa sổ trời và đạp thật mạnh để hất tung bộ phận này. Hành động này ngay cả khi không tự mình thoát ra được thì cũng giúp lực lượng cứu hỏa dễ dàng tiếp cận và giải thoát nhanh hơn.

Các chủ phương tiện nên trang bị công cụ thoát hiểm trong xe để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Việc phá vỡ cửa kính ô tô nếu không có những công cụ chuyên dụng là việc không hề đơn giản, nhất là trong khoảnh khắc nguy hiểm. Vì thế, các chủ phương tiện nên trang bị công cụ thoát hiểm trong xe để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Tiêu biểu là búa thoát hiểm, với một đầu bằng kim loại dùng để đập vỡ kính, phần thân, cán búa được thiết kế với lưỡi dao, cho phép cắt đứt dây đai an toàn một cách dễ dàng.

Tóm lại, để thoát khỏi chiếc xe bốc cháy, chúng ta cần trang bị những kiến thức và kỹ năng căn bản để vận dụng kịp thời, luôn có sẵn những công cụ chuyên dụng trong xe và đặc biệt giữ tinh thần luôn được bình tĩnh để hành động một cách đúng đắn.

Bài liên quan

News feed