Hướng nội là gì? Hướng nội có phải do gen di truyền hay không?
- Lệ Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ tư, 05/01/2022 11:38 (GMT +7)
Hẳn là nhiều người đã từng nghe đến khái niệm hướng nội - hướng ngoại. Vậy cụ thể những thuật ngữ này là như thế nào?
Nội dung chính
1. Hướng nội là gì?
Hướng nội (introvert) theo định nghĩa trong từ điển Cambridge là danh từ dùng để chỉ một người nhút nhát, ít nói và thích dành thời gian ở một mình hơn là thường xuyên ở bên người khác.
Psychology Today - một chuyên trang về tâm lý học uy tín được thành lập vào năm 1967 bởi tiến sĩ Nicholas Charney - cho biết: "Người hướng nội không sợ hãi hoặc không thích người khác, và họ không nhút nhát cũng như không bị cản trở bởi sự cô đơn. Một bữa tiệc cocktail đông người có thể là cực hình đối với những người hướng nội, nhưng họ thích giao lưu trực tiếp trong môi trường yên tĩnh, điều này phù hợp hơn với cấu tạo hệ thần kinh của họ. Bằng chứng cho thấy rằng, không giống như với những người hướng ngoại, não của những người hướng nội không phản ứng mạnh khi xem những khuôn mặt mới lạ của con người; trong những tình huống như vậy, chúng tạo ra ít dopamine hơn, một chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến phần thưởng".
>>> Xem thêm: Người hướng nội sẽ thiết kế nhà của mình như thế nào?
2. Nguồn gốc ra đời lý thuyết về hướng nội
Nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Jung là người đầu tiên đưa ra những miêu tả về người hướng nội và người hướng ngoại. Hiểu theo một cách đơn giản Carl Jung quan niệm người hướng nội lấy năng lượng từ việc ở một mình. Trong khi đó người hướng ngoại lại tìm kiếm năng lượng từ những mối quan hệ xung quanh mình.
Tuy nhiên nhà tâm lý học này cũng cho biết có những người chẳng thuộc nhóm hướng nội cũng chẳng thuộc nhóm hướng ngoại (những người bình thường khó phân biệt nhất). Thậm chí, Carl Jung tin rằng những người hướng nội, hướng ngoại chỉ thuộc nhóm thiểu số. Thực tế, phần lớn mọi người sẽ chỉ nằm ở đâu đó trong khoảng giữa hai thái cực với tính cách có xu hướng nghiêng nhiều hơn về một bên so với bên còn lại. Những người có xu hướng cân bằng theo nhà tâm lý học Hans Eysenck được gọi là ambivert.
3. Một số đặc điểm tính cách của người hướng nội
- Người hướng nội tỏ ra lặng lẽ, có phần thu mình. Thực ra, họ là những người có ham muốn chiếm ưu thế, họ rất thích “khoe”, có điều cách khoe của họ cũng rất ngấm ngầm, chứ không phô trương.
- Nhiều người cho rằng những người hướng nội phát huy được hiệu quả tốt nhất khi làm việc một mình, tuy nhiên nghiên cứu của Carl Jung chỉ ra người hướng nội phù hợp để làm việc nhóm, kết nối với mọi người thay vì làm việc một mình như mọi người vẫn nghĩ.
- Ý thức bản ngã của người hướng nội rất mạnh: Ở bề mặt ý thức, đối tượng khách quan bị coi thường bao nhiêu thì ở phần vô thức, tầm quan trọng của nó được thổi phồng lên đáng sợ bấy nhiêu. Theo Jung, những người hướng nội có đôi chút ảo tưởng sức mạnh, vừa coi thường thế giới ngoại tại, vừa sợ hãi nó.
- Những người hướng nội thường có xu hướng suy nghĩ rất lâu trước khi quyết định thực hiện điều gì đó. Họ thường có một quá trình suy nghĩ phong phú và nghiên cứu kĩ lưỡng trước mọi thứ. Họ chỉ làm một điều gì đó khi đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, tích lũy kiến thức cần thiết.
- Những người hướng nội thường nghĩ bâng quơ tới một vấn đề nào đó để "chạy trốn" thực tại. Đối với những người khác, những người này có vẻ như mất tập trung nhưng thực chất đây là một cách để họ thư giãn, lấy lại tinh thần trước những tình huống hỗn loạn hoặc không thoải mái.
- Những người nghiêng về hướng nội thường thích viết ra những gì mình nghĩ hơn là phải nói ra
- Người hướng nội là những người lắng nghe, đồng cảm tốt hơn những người thuộc nhóm tính cách hướng ngoại. Họ hướng đến chiều sâu của mối quan hệ, dễ dàng hiểu và thông cảm với người khác. Nhưng cũng chính điều này khiến người hướng nội bị ảnh hưởng khá nhiều bởi hội chứng lo âu (tức là cảm giác lo lắng quá với những tình huống mình gặp phải). Điều này ảnh hưởng không tốt là lâu dầu có thể dẫn đến trầm cảm.
4. Hướng nội có phải do gen di truyền hay không?
Theo nhà nghiên cứu, bác sĩ trị liệu tâm lý Laney chỉ ra trong số những tính cách đã được nghiên cứu, hướng nội và hướng ngoại là một trong những đặc điểm được di truyền mạnh mẽ nhất.
Tuy nhiên qua một số nghiên cứu cho thấy các yếu tố như môi trường sống hay trải nghiệm... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của con người. Ví dụ như một đứa trẻ được sống trong môi trường có đủ trải nghiệm tích cực thì có thể vươn lên mức cao của mình, mặc dù khi sinh ra chúng có thể thuộc nhóm tính cách hướng nội. Ngược lại những đứa trẻ sống trong trải nghiệm tiêu cực có thể sống thu mình, ẩn dật và dè dặt hơn.