Kami Nabe, món lẩu giấy lạ cả tên lẫn cách phục vụ của ẩm thực Nhật Bản
- Quả Chanh Thành Tinh
- Đăng lúc: Thứ ba, 31/05/2022 14:35 (GMT +7)
Bên cạnh những món ăn như Sushi, Sashimi hay Tempura, không ít thực khách cũng ấn tượng với món lẩu giấy Kami Nabe khi đến thăm Nhật Bản.
Ẩm thực Nhật Bản luôn nổi tiếng bởi sự đa dạng. Mon ăn Nhật tinh tế rất nhiều nhưng những món lạ lùng cũng lắm. Nói về món Nhật lạ sẽ gồm có món lạ về cách chế biến và món lạ bởi tên gọi, Lẩu giấy có lẽ hội tụ đủ cả 2 yếu tố trên.
Khi mới nghe đến món Kami Nabe (lẩu giấy), nhiều người sẽ tò mò không biết lẩu giấy là gì, vì sao món ăn lại có tên gọi này, liệu món lẩu này có gì liên quan đến giấy không?
Kami Nabe thực chất là một món lẩu nổi tiếng, được đầu bếp Yoshihiko Nishimiya sáng tạo dành riêng cho Thiên hoàng Chiêu Hoà đầu thế kỉ 20. Trong tiếng Nhật, “kami” (紙) có nghĩa là giấy còn “nabe” (鍋) là “nồi”. Nếu như những món lẩu thường thấy sẽ sử dụng nồi kim lại để ăn thì Kami Nabe lại dùng những chiếc nồi được làm bằng giấy. Chiếc nồi độc đáo này được tiếp xúc trực tiếp với lửa để đun sôi nước lẩu. Khi nước lẩu sôi, bạn sẽ nhúng những món ăn như hải sản, thịt bò hay rau nấm… bình thường.
Chiếc nồi giấy dùng cho món Kami Nabe được làm từ một loại giấy đặc trưng của Nhật Bản là “Washi” (和紙). Đây là một loại giấy làm bằng phương pháp thủ công, được tạo ra từ thời Edo và được dùng trong nghệ thuật gấp giấy (origami), tranh thư pháp (sumi-e) hoặc tranh khắc gỗ (ukiyo-e)… Nếu như những loại giấy khác được làm từ bột gỗ từ các loại cây như vân sam, linh sam, thông, thông rụng lá, sồi thì giấy Washi thường làm từ vỏ cây gampi, cây dướng… hoặc tre, cây gai dầu…
Giấy để lót làm nồi ăn lẩu giấy vốn là loại giấy dày và chống thấm tốt do đó việc đun nước dùng bằng giấy không phải là vấn đề. Khi nhìn thấy chiếc nồi giấy đun trực tiếp trên lửa, nhiều người lo giấy sẽ bị cháy tuy nhiên thực tế chỉ cần có nước bên trong, giấy sẽ không cháy được. Đúng hơn, giấy chỉ cháy ở nhiệt độ khoảng 300 độ còn khi có nước, theo một số tài số thì nhiệt độ của "nồi giấy" chỉ khoảng 160 độ.
Ưu điểm của nồi giấy là rất mỏng nên đồ ăn chín rất nhanh, chưa kể dù chống thấm tốt nhưng trong quá trình đun loại giấy này vẫn phần nào hút dầu mỡ, làm nước dùng thanh hơn. Bên cạnh đó, một số người cũng tin rằng lẩu giấy giúp loại bỏ được vị đắng cũng như mùi kiểm trong nước lẩu nên bạn có thể thưởng thức món ăn này với hương vị hấp dẫn hơn.
Nhắc đến lẩu giấy, người ta hay nghĩ đến loại lẩu có vị thanh đặc trưng. Nhưng lẩu giấy không chỉ bởi chiếc nồi bằng giấy washi mà còn bởi thành phần chủ đạo của món lẩu này là các rau củ lành mạnh, các nguyên liệu ít dầu mỡ.
Giống như nhiều món ăn khác của Nhật Bản, lẩu giấy Kami Nabe thường được trang trí vô cùng đẹp mắt trước khi mang ra mời khách. Bên cạnh nồi giấy tao nhã, người đầu bếp còn bày thêm những đồ ăn kèm một cách tỉ mỉ. Tuỳ vào sở thích cũng như khẩu vị, bạn có thể chọn những món nước lẩu như nấm, miso… và nhúng cùng rau xanh, nấm, thịt, hải sản…
Theo những người “sành ăn”, bạn nên đun nước lẩu khoảng 7 đến 10 phút cho sôi rồi sau đó thêm rau, nấm vào. Sau đó mới lần lượt nhúng hải sản và cuối cùng là ba chỉ bò vào nồi lẩu giấy Kami Nabe. Với “vẻ ngoài” bắt mắt, nước lẩu ngọt thanh, không quá nhiều dầu mỡ và dễ dàng thu dọn sau khi ăn xong, món lẩu giấy Kami Nabe thường xuất hiện trong các dịp đặc biệt của Nhật Bản như đám cưới hoặc các dịp lễ.
Hiện nay, bạn cũng có thể thưởng thức món lẩu giấy Kami Nabe tại một số nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam như Wa Japanese Cuisine (34G Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội) hoặc Sushi 24 (số 75 Vũ Duệ, Nông Trang, Việt Trì, Phú Thọ)…