Bánh khẩu xén, món bánh màu sắc, cầu kỳ của người dân tộc Thái
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ năm, 20/01/2022 23:39 (GMT +7)
Bánh khẩu xén là một đặc sản vô cùng độc đáo của đồng bào dân tộc Thái với nguyên liệu cũng như quy trình chế biến hoàn toàn tự nhiên.
Khẩu xén được biết đến là một loại bánh truyền thống và lâu đời của đồng bào dân tộc Thái. Thức quà này được chế biến từ chính loại gạo nếp thơm ngon và củ sắn tươi, tạo nên một hương vị vô cùng đặc trưng của riêng người Thái trắng, sinh sống ở xa Mường Lay, Điện Biên.
Khẩu xén trong tiếng Thái được cắt nghĩa thành 2 vế, “khẩu” được hiểu là cơm, còn “xén” được hiểu là cắt. Món bánh này ban đầu được chế biến để đãi khách quý, làm quà biếu cho bạn bè, bà con nơi xa đến chúc Tết. Thế nhưng cho đến ngày nay, bánh khẩu xén đã không chỉ là một món bánh truyền thống và được chế biến vào những dịp đặc biệt nữa, mà nó còn được phát triển thành mô hình sản xuất của người dân nơi đây và được bày bán vô cùng rộng rãi.
Thông thường, bánh khẩu xén sẽ được làm bắt đầu từ tháng 10 cho tới tháng 12 (âm lịch. Nguyên liệu chính để chế biến thức quà này chính là gạo nếp, có thể là gạo nếp cẩm có màu đen hoặc gạo nếp nương có sắc màu trắng, Bên cạnh đó, người dân nơi đây cũng có thể pha thêm màu từ cây cơm để món bánh có màu tím hoặc pha thêm gấc để bánh khi hoàn thiện có màu vàng. Tùy vào từng nhu cầu cũng như khẩu vị của mỗi người, mà người chế biến sẽ bỏ vào thêm sữa, đường.
Gạo nếp sau khi được sàng sảy cho sạch hết tạp chất và bụi bẩn sẽ được ngâm kỹ trong chừng vài giờ đồng hồ tới khi mềm, sau đó gạo được đưa lên chõ để đồ thành xôi. Tiếp theo, xôi sẽ được đưa vào cối để giã nhuyễn và được cán mỏng dẹt và đem đi để phơi khô tự nhiên. Cuối cùng, người Thái trắng sẽ cắt bánh theo những hình khuôn bánh nhất định.
Tuy nhiên, đối với nhiều người Thái trắng, chỉ có gạo nếp thôi thì chưa đủ, mà bánh khẩu xén phải được làm từ sắn tươi của vùng mới có thể được coi là ngon miệng và đậm đà. Với nguyên liệu này, quy trình làm bánh cũng công phu và tốn nhiều thời gian hơn.
Bước đầu tiên, sắn phải được gọt sạch vỏ, sau đó nạo ra và trộn đều lên cùng với gấc. Bước tiếp theo, người ta đem sắc đi đồ thật kỹ rồi xay nhuyễn và đem cán mỏng dẹt. Cuối cùng, sắn được mang đi phơi qua và cắt thành những miếng nhỏ vừa vặn rồi lại tiếp tục phơi ngoài nắng tới khi bánh đạt đủ độ khô thì thôi.
Bánh khẩu xén thường được cắt thành những hình bình hành, dài cỡ chừng hơn 1 ngón tay của người lớn. Bánh cũng có nhiều loại với nhiều hương vị khác nhau. Có những chiếc bánh thì có vị ngọt để dành cho trẻ con, bánh thì lại có vị hơi mằn mặn cho người già và phụ nữ, hay có loại bánh thì hơi nhạt nhạt để dành cho đàn ông chấm cùng với gia vị và nhâm nhi cùng vài chén rượu ấm. Bánh khi rán sẽ nở phồng lên trông vô cùng đẹp mắt. Tới khi thưởng thức, bánh sẽ có vị thơm ngát, đậm đà từ hương vị đặc trưng của gạo nếp và sắn tươi và giòn tan ngay từ miếng đầu tiên.
Người dân ở đây chia sẻ rằng, hầu hết các bản làng trong khu vực như bản Xá Đán, bản Hốc, bản Bó, bản Chi Luông,... đều có thể làm loại bánh này và để thưởng thức trong những dịp lễ Tết, nhưng chỉ có mỗi bản Bắc là chế biến nhiều để sản xuất và bán ra ngoài thị trường mà thôi. Thậm chí, có những người đã đến và mua một lần tới tận vài cân về để ăn, có người mua đến vài chục cân để phục vụ việc làm cỗ, cưới hỏi hay mang đi bán ở những địa phương khác nữa đấy,
Khẩu xén không chỉ là một thức quà ăn vặt vô cùng độc đáo của người Thái trắng ở Điện Biên, mà món bánh này còn chính là một nét đẹp ẩm thực vô cùng hấp dẫn, khiến cho bất cứ vị khách nào khi đặt chân tới đây cũng đều phải thích thú và lưu luyến. Chính vì vậy, nếu như có dịp được đặt chân tới đây, nhất định bạn hãy thử thưởng thức hương vị mà món bánh này mang lại ít nhất một lần nhé.