Kho báu vua Hàm Nghi: Những câu chuyện bi thương đằng sau niềm tin mù quáng
- Thanh Pham
- Đăng lúc: Thứ bảy, 03/10/2020 19:49 (GMT +7)
Nguyễn Hồng Công, người đàn ông có “niềm tin sắt đá” về một kho báu không có thật, đã kết thúc chặng đường tìm kiếm kéo dài 30 năm của mình một cách bi thảm.
Vào một ngày mưa tháng 10/2013, người dân thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình tìm thấy thi thể của ông Công trong lán trại mà ông đã dựng ngay “cửa vào kho báu” của mình. Khi được phát hiện, ông đã chết được khoảng 1 tuần, thi thể đã bắt đầu phân hủy. Xung quanh nơi ông chết vẫn ngổn ngang hố đào, đất cát và các dụng cụ để đào bới, tìm kiếm. Cái chết trong hiu quạnh của ông đã khép lại số phận kỳ lạ của một “dị nhân” với niềm tin bất biến về sự tồn tại của kho báu vua Hàm Nghi.
Niềm tin mù quáng xuất phát từ một tấm bản đồ và một… bài thơ
Ông Nguyễn Hồng Công sinh năm 1952, quê xã Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, từng cư trú tại quận 4, TPHCM.
Năm 1982 là năm khởi nguồn của câu chuyện, khi ông Công có trong tay tấm bản đồ bằng da được cho là “bản đồ kho báu vua Hàm Nghi” do anh trai mang về từ nước ngoài. Cùng với tấm bản đồ này, người anh của ông Công còn sưu tập một số tư liệu góp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là một bài thơ có câu "Hóa Sơn ghìm bước quân vương tới/Mã Cú lưu gìn báu vật xưa".
Niềm tin mãnh liệt thôi thúc ông Công – vốn là một sĩ quan biên phòng đã xin nghỉ việc - gom hết tiền bạc và tư trang đến vùng núi Mã Cú, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình để bắt đầu hành trình tìm kiếm kho báu mà ông đinh ninh rằng vua Hàm Nghi đã cất giấu trong lúc chạy loạn năm xưa.
Nhưng có lẽ, chính bản thân ông cũng không thể ngờ được rằng, hành trình tìm kiếm ấy lại kéo dài đằng đẵng đến tận hơn 30 năm và để lại cho ông và gia đình những hệ lụy đau xót.
Gia đình kiệt quệ, vợ đi tù, họ hàng từ mặt, bán hết nhà cửa vẫn không tỉnh ngộ
Con đường “truy tìm kho báu” của ông Công trải qua vô vàn khó khăn. Thời gian đầu, ông đã tìm thấy một số dấu tích mà ông cam đoan là được ghi trong bản đồ và các tài liệu ông có trong tay. Cộng hưởng cho niềm tin của ông Công là những câu chuyện hoang đường được truyền miệng tại địa phương rằng, vào những năm 50, nhiều người đã tình cờ tìm thấy hàng tạ tiền vàng trên vùng núi này.
Trải qua vài năm đào xới khắp ngọn núi Mã Cú mà không thu được kết quả gì, ông Công đã bị chính quyền địa phương trục xuất, cấm không cho tìm kiếm kho báu nữa. Nhưng bằng sự kiên trì của mình, ông lại xin phép được tiếp tục tìm kiếm, thậm chí, ông còn thuyết phục vợ bán nhà bán đất, huy động anh em họ hàng góp tiền bạc, vay mượn khắp nơi để thuê nhân lực, máy móc mở cuộc tìm kiếm quy mô lớn vào năm 1987.
Cuối cùng khi tiền bạc cạn kiệt, công sức bỏ ra không thu lại kết quả gì, mọi người lần lượt bỏ đi hết, ông Công vẫn kiên trì 1 mình tiếp tục đào bới tìm kiếm suốt nhiều năm sau đó với niềm tin tuyệt đối rằng “kho báu đã ở rất gần”
Trong thời gian này, gia đình vì dồn hết tiền của công sức cho việc truy tìm kho báu của ông mà lâm vào cảnh túng quẫn, nợ nần chồng chất. Vợ ông đã phải đi tù vì vay mượn cho ông nhưng không có khả năng chi trả. Dẫu vậy, mặc cho con cái, anh em họ hàng khuyên can, ông Công vẫn bỏ ngoài tai và bám trụ trên mảnh đất Minh Hóa này suốt hơn 20 năm sau đó. Thậm chí khi tuổi cao sức yếu, lại thêm bệnh tật, ông vẫn quyết không từ bỏ mà còn dựng luôn lán ở tại cửa hầm “kho báu” để tiếp tục hành trình tìm kiếm vô vọng của mình.
Trước khi ông Công mắc bệnh phổi nặng và chết trong hiu quạnh, người con trai của ông từng thuyết phục bố về lại TP.HCM điều trị xong ông không nghe. Gia đình từ đó cắt đứt hoàn toàn liên lạc với ông. Đám tang của ông cũng do người dân địa phương lo liệu mà không có sự tham gia của người thân. Sau này, con cái có lên Mã Cú thăm mộ của ông một lần và không bao giờ trở lại.
Các chuyên gia về lịch sử, địa chất và khảo cổ đã nhiều lần khẳng định không thể có kho báu của vua Hàm Nghi chôn giấu trên đỉnh Mã Cú. Câu chuyện về người đàn ông bỏ phố thị lên núi tìm kho báu để rồi tan cửa nát nhà cũng dần trôi vào quên lãng. Chỉ còn lại giai thoại có thật về một kiếp người “cố chấp không thể lý giải".