Không phải chè đậu đỏ, xảo quả mới là “bùa yêu” đích thực để giải vía "ế" cho cả nam lẫn nữ
- Leo Wu
- Đăng lúc: Thứ sáu, 24/03/2023 09:54 (GMT +7)
Do sự nhầm lẫn mà chè đậu đỏ “bỗng nhiên” được săn đón trong lễ Thất Tịch. Thế nhưng tại Trung Quốc, xảo quả mới là món ăn đặc trưng cho ngày lễ này tại đây.
Ngày Thất Tịch còn có tên gọi là lễ Trùng Thất xuất phát từ câu chuyện tình bị chia cắt của Ngưu Lang và Chức Nữ. Mặc dù yêu nhau nhưng hai người chỉ có thể gặp nhau một lần trong năm vào ngày 7/7 Âm lịch. Chính vì vậy ngày lễ này nhanh chóng trở thành lễ tình nhân của Trung Quốc.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người cho rằng chè đậu đỏ là món ăn được người Trung Quốc yêu thích và thường xuyên ăn trong ngày Thất Tịch. Thế nhưng xảo quả mới là món bánh được người dân Trung Quốc ăn trong ngày lễ này.
Nguồn gốc xảo quả
Tương truyền rằng trước đây có một thiếu nữ tên là Tiểu Xảo, vì cảm động trước tình cảm của Ngưu Lang – Chức Nữ mà cứ đến ngày Thất Tịch mỗi năm, Tiểu Xảo đều làm một món bánh điểm tâm với mong muốn Ngưu Lang – Chức Nữ sớm được đoàn tụ.
Sau khi việc này được bẩm báo lên Ngọc Hoàng, dù không thể giúp Ngưu Lang – Chức Nữ trở về bên nhau nhưng tấm chân tình này của Tiểu Xảo đã khiến Ngọc Hoàng cảm động và ban cho nàng một mối lương duyên. Cuộc sống hôn nhân của Tiểu Xảo vô cùng hạnh phúc, hai vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc răng long và được nhiều người ngưỡng mộ.
Chính vì vậy nên nhiều thiếu nữ đã học theo Tiểu Xảo, làm món điểm tâm này với hy vọng bản thân cũng tìm được một mối tình như ý. Nhờ đó mà món bánh này được đặt tên là Xảo Quả và thường được làm vào lễ Thất Tịch.
>>> Xem thêm Cách làm bánh xảo quả, món bánh cầu tình duyên dịp Thất Tịch được săn đón nhiều nhất
Bánh xảo quả có gì đặc biệt?
Nguyên liệu để làm món bánh này khá đơn giản và dễ tìm như bột mì, men, trứng gà, đường, sữa tươi. Sau khi nhào thành bột, người ta sẽ đổ bột vào khuôn để tạo hình cho bánh.
Dù bây giờ có rất nhiều chất liệu để làm khuôn, nhưng khuôn làm bánh xảo quả thường được làm từ gỗ lê vì đây là chất loại gỗ có đặc trưng bền chắc với mong muốn có mối lương duyên bền chặt. Ngoài chất liệu gỗ, khuôn bánh của bánh xảo quả cũng có những hoạ tiết nhất đinh để gửi gắm những mong muốn về tình cảm.
thường được khắc lên những hoa văn sinh động với ngụ ý cát tường như con dơi (đồng âm với từ phúc), con cá (đồng âm với dư dả, sung túc), hạt sen ( ngụ ý con đàn cháu đống)…
Khi đã tại hình xong thì bánh được đem đi nướng ở nhiệt độ thích hợp hoặc cũng có thể rán bằng chảo cho tới khi vàng đều hai mặt là được. Khi thưởng thức một miếng bánh xảo quả sau khi nướng, bạn không chỉ cảm nhận được vị giòn của lớp vỏ mà còn “mê mẩn” với vị ngọt dịu của phần bên trong.
Đặc biệt, một số vùng ở Trung Quốc còn dùng sợi chỉ đỏ, xâu xảo quả thành những chiếc vòng và đeo lên cổ các em bé để cầu mong bé được bình an. Ngoài ra thì một số vùng nông thôn của Thượng Hải, Thiệu Hưng trước đây có phong tục, phụ nữa sau khi kết hôn phải làm và mang món bánh này từ nhà mình sang nhà chồng.
Bên cạnh xảo quả thì người Trung Quốc cũng làm những món ăn khác như sủi cảo, ngũ tử (5 loại hạt may mắn là táo đỏ, long nhãn, hạt dưa, đậu phộng và hạt dẻ)… trong lễ Thất Tịch.
Bài viết cho tham khảo thêm thông tin của Page Góc Của Chu Ly