Những dấu ấn trong lịch sử hình thành và phát triển của nhà mốt Christian Dior
- Lâm Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ hai, 28/03/2022 14:52 (GMT +7)
Trước khi trở thành một trong những thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới, Dior đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong suốt lịch sử phát triển.
Nội dung chính
- 1. Dior là gì? Dior là thương hiệu của nước nào?
- 2. Người sáng lập thương hiệu Christian Dior là ai?
- 3. Lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu Christian Dior
- 4. Logo của thương hiệu Christian Dior
- 5. Đại sứ thương hiệu Dior là ai?
- 6. Các dòng sản phẩm của Dior
- 7. Các cửa hàng Dior tại Việt Nam
1. Dior là gì? Dior là thương hiệu của nước nào?
Christian Dior, hay thường được gọi tắt là Dior, là một thương hiệu thời trang xa xỉ của nước Pháp, đồng thời là một trong những nhà mốt được yêu thích hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, giống như nhiều thương hiệu khác, Dior đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, để rồi mạnh mẽ vươn dậy thành một đế chế thời trang lớn nhờ vào các thế hệ nhà thiết kế đầy tài năng và sáng tạo. Một số gương mặt tiêu biểu từng nắm giữ vị trí giám đốc sáng tạo của Dior bao gồm Yves Saint Laurent, Marc Bohan, Gianfranco Ferré, John Galliano, Bill Gaytten, Raf Simons, và Maria Grazia Chiuri.
2. Người sáng lập thương hiệu Christian Dior là ai?
Christian Dior là người đã sáng lập nên thương hiệu thời trang mang tên mình. Ông sinh ngày 21–01–1905 tại thị trấn Granville, Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, Christian Dior đã có niềm đam mê sâu sắc dành cho nghệ thuật và kiến trúc. Thế nhưng theo nguyện vọng của gia đình, ông đã phải theo học tại trường École Libre des Sciences Politiques, một trường chuyên về khoa học chính trị. Do luôn có tình yêu dành cho nghệ thuật, Christian Dior có rất nhiều bạn bè trong giới nghệ sĩ, ví dụ như Maurice Sachs, Jean Ozenne, và Christian Bérard.
>>> Xem thêm: Christian Dior: Khi cảm hứng nở rộ từ những đoá hoa
Không lâu sau đó, mẹ ông qua đời, anh trai phải điều trị bệnh thần kinh, gia đình rơi vào cảnh phá sản. Những biến cố liên tiếp ập xuống khiến Christian Dior bị trầm cảm nặng và mắc bệnh lao. Bạn bè của Dior đã gom tiền giúp ông tới Font-Romeu để chữa bệnh.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Dior theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình. Ông đã quyết định theo học kỹ thuật thêu và dệt tại quần đảo Balearic. Về sau, ông tới Paris và trở thành một nhà thiết kế thời trang ở tuổi 30. Robert Piguet, nhà thiết kế thời trang Thuỵ Sĩ, đã mua lại các bản thiết kế của Dior và mời ông về làm việc cho công ty của mình. Đó cũng chính là công việc thiết kế đầu tiên của Christian Dior.
Khi Thế Chiến II bùng nổ, Christian Dior gia nhập quân ngũ. Sau khi Hiệp ước đình chiến Pháp - Đức được kí kết, ông xuất ngũ và trở về sống cùng cha và em gái ở Callian, miền đông nam nước Pháp. Dior được Robert Piguet mời quay lại làm việc, nhưng vì ông do dự khá lâu nên Antonio del Castillo đã thay vị trí của ông. Năm 1942, Dior bắt đầu làm việc cho Lucien Lelong, một nhà mốt cao cấp khác.
3. Lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu Christian Dior
3.1. Sự ra đời của một đế chế thời trang
Ngày 16–12–1946, Christian Dior thành lập một công ty thời trang mang tên mình tại tư gia ở số 30 đại lộ Montaigne, Paris với sự đầu tư vốn của doanh nhân Marcel Boussac. Thế nhưng năm 1947 lại được chọn làm năm khai sinh chính thức của thương hiệu, bởi đó là thời điểm Dior cho ra mắt BST đầu tiên.
Dior lúc bấy giờ là một phần của doanh nghiệp dệt may do Marcel Boussac điều hành. Mức vốn ban đầu là khoảng 6 triệu franc cùng 85 nhân viên. Đây vốn là một dự án hão huyền so với quy mô công ty của Boussac. Mặc dù Boussac nổi tiếng là một ông chủ khắc nghiệt, thế nhưng Christian Dior bằng tài năng xuất chúng của mình đã có được mức lương đáng mơ ước và được hưởng một số quyền lợi khác như trở thành người quản lý trên pháp lý, hưởng 1/3 lợi nhuận trước thuế của công ty.
3.2. Kỷ nguyên New Look
Ngày 12–2–1947, Dior ra mắt bộ sưu tập đầu tiên và trở thành một dấu ấn trong lịch sử thời trang thế giới như một cuộc cách mạng. BST ban đầu có tên là Corolle, nhưng được đổi thành New Look sau khi Tổng biên tập của tạp chí Harper’s Bazaar lúc bấy giờ là Carmel Snow đã hết lời ngợi khen và thốt lên rằng: “Quả là một cái nhìn mới!”.
Thiết kế New Look mang vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại. Cổ điển là bởi lối thắt eo nhỏ và phối cùng đầm phồng, vốn là phong cách quen thuộc thời corset. Hiện đại là nhờ việc sử dụng áo khoác Bar Jacket, một biến tấu từ menswear.
Lúc bấy giờ, chiến tranh vừa kết thúc chưa lâu, vải vóc vẫn còn rất khan hiếm. Thế nhưng Christian Dior lại sử dụng tới 20 mét vải đắt tiền cho những thiết kế của mình. Mỗi bộ trang phục trong BST New Look đều mang tinh thần nữ quyền và ẩn chứa sự lãng mạn của kinh đô ánh sáng. Kiểu váy phồng do Dior thiết kế cũng đã tạo ra tác động không nhỏ đến thời trang cũng như những nhà thiết kế khác trong những năm 1950. New Look được Tây Âu chào đón nhiệt tình, đặc biệt là phụ nữ giới thượng lưu như công chúa Margaret của Anh Quốc.
Với sức ảnh hưởng mạnh mẽ của New Look, cuối năm 1949, một cửa hiệu thời trang Christian Dior được mở tại New York. Năm 1953, Dior bắt đầu ra mắt dòng giày thời trang với sự hỗ trợ của Roger Vivier, một nhà thiết kế giày người Pháp. Cũng vào năm đó, Dior tiếp tục mở rộng kinh doanh với việc thành lập các chi nhánh tại Mexico, Cuba, Canada và Ý. Thế nhưng song song với sự phát triển, Dior phải đối mặt với nạn làm giả, làm nhái sản phẩm.
Năm 1955, dòng son môi đầu tiên của Christian Dior được ra mắt công chúng. Vào ngày kỷ niệm 10 năm thành lập thương hiệu, Dior đã bán được 100.000 bộ quần áo. Trong khoảng từ năm 1954 tới 1957, Dior có rất nhiều BST thành công, thế nhưng không có dòng thời trang nào tạo ra ảnh hưởng mạnh như New Look.
3.3. Những thế hệ tiếp sau Christian Dior
Ngày 24–10–1957, Christian Dior qua đời do một cơn đau tim. Sự ra đi đột ngột của ông đã gây ra nhiều xáo trộn trong nội bộ thương hiệu. Tổng giám đốc Jacques Rouët thậm chí đã cân nhắc tới việc đóng cửa toàn bộ các chi nhánh của Dior trên thế giới. Cuối cùng, Yves Saint Laurent đã trở thành Giám đốc sáng tạo của Dior ở tuổi 21.
Sự tài năng của Yves Saint Laurent đã cứu vãn được Dior. Các thiết kế của ông đầy mới mẻ và bứt phá, nhưng vẫn giữ được chất lãng mạn phóng khoáng vốn có của Dior. Sau khi thiết kế được 6 BST cho Dior, vào năm 1960, Yves Saint Laurent rời thương hiệu để nhập ngũ.
Người thay thế vị trí của Yves Saint Laurent là Marc Bohan. Khác với người tiền nhiệm, phong cách thiết kế của Marc có phần kín đáo hơn, thế nhưng vẫn được những tên tuổi lớn đánh giá cao. Điển hình là nữ diễn viên Elizabeth Taylor đã đặt mua 12 chiếc váy thuộc BST Xuân Hè 1961 mang tên Slim Look của Dior do Marc Bohan thiết kế. Dưới sự chèo lái của Marc Bohan, Dior đạt được nhiều thành tựu về mặt thương mại. Từ năm 1963 tới 1968, các dòng nước hoa như Diorling, Eau Sauvag được tung ra thị trường. Năm 1968, hãng nước hoa Dior được bán cho Moët Hennessy.
Năm 1969, Christian Dior Cosmetics chuyên về mỹ phẩm được thành lập. Năm 1970, Marc Bohan giới thiệu dòng thời trang Dior Homme đầu tiên dành cho nam giới. Năm 1975, Dior hợp tác với Benedom cho ra đời thiết kế đồng hồ đầu tiên mang tên Black Moon.
3.4. Bernard Arnault mua lại Dior
Năm 1978, tập đoàn Boussac tuyên bố phá sản. Các tài sản của Boussac, bao gồm cả Dior, được tập đoàn Willot mua lại. Nhưng tới năm 1981, tập đoàn Willot cũng bị phá sản. Năm 1984, Bernard Arnault và tập đoàn đầu tư của ông đã mua lại Willot với giá tượng trưng, chỉ 1 franc.
Bernard Arnault đã đưa Christian Dior trở lại đỉnh cao. Năm 1989, Gianfranco Ferré thay thế Marc Bohan ở vị chí nhà thiết kế chính cho thương hiệu. Thay vì đi theo sự phóng khoáng, lãng mạn như các thiết kế trước của Dior, Gianfranco thể hiện phong cách riêng đầy tinh tế, thanh nhã và chỉn chu. Năm 1989, BST đầu tiên của ông đã đạt giải Dé d’Or. Từ năm 1990 tới 1995, doanh thu của Dior tăng từ 129,3 triệu đô-la Mỹ lên tới 177 triệu đô-la Mỹ
Năm 1996, Bernard Arnault muốn thay đổi phong cách mới cho dòng thời trang Dior. Nhà thiết kế người Anh John Galliano được chỉ định làm giám đốc sáng tạo thay cho Gianfranco Ferré bởi Bernard cho rằng tài năng của Galliano có thể so sánh được với nhà sáng lập thương hiệu Christian Dior. Galliano đã giúp tên tuổi của Dior trở nên nổi tiếng hơn qua việc sử dụng những yếu tố gây tranh cãi trong các sự kiện như Homeless Show (người mẫu mặc trang phục làm từ giấy báo và túi giấy), hay S&M show.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của mảng thời trang nam giới, Dior đã mời về nhà thiết kế Hedi Slimane. BST dành cho nam giới đầu tiên mà Hedi Slimane thiết kế cho Dior được ra mắt vào năm 2001 và nhanh chóng gây được tiếng vang lớn, nhận được sự quan tâm từ các ngôi sao nổi tiếng như Mick Jagger hay Brat Pitt. Cũng trong năm 2001, Dior cho ra đời dòng trang sức cao cấp Christian Dior Haute Joaillerie dưới sự điều hành của giám đốc nghệ thuật Victoire de Castellane.
Năm 2011, John Galliano bị sa thải vì xúc phạm và tấn công người Do Thái khi đang say rượu, làm ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu Dior. Vị trí giám đốc sáng tạo được bỏ trống suốt 13 tháng cho tới khi nhà thiết kế người Bỉ Raf Simons được bổ nhiệm vào tháng 4/2012. Các thiết kế của Raf Simons rất được yêu thích, mang đậm nét thanh lịch của nước Pháp, tối giản mà vẫn lộng lẫy. Thế nhưng Raf Simons chỉ gắn bó với Dior trong 3 năm do áp lực với khối lượng công việc quá lớn.
Gần 1 năm sau khi Raf Simons rời đi, Dior đã giới thiệu Maria Grazia Chiuri ngồi vào vị trí Giám đốc sáng tạo. Maria Grazia Chiuri chính là người phụ nữ đầu tiên nắm quyền cao nhất ở mảng thiết kế thời trang của nhà mốt nước Pháp. Với sự nhạy bén của mình, các thiết kế của Maria Grazia Chiuri vừa hợp thời lại vừa mang tính thương mại cao.
4. Logo của thương hiệu Christian Dior
Ban đầu, logo của Dior bao gồm 2 chữ D đối ngược nhau và tên thương hiệu. Hai chữ D ngược nhau và nối với nhau tạo thành chữ CD - chữ cái viết tắt tên Christian Dior. Tới hiện tại, logo của thương hiệu chỉ bao gồm 4 chữ cái Dior được thiết kế đơn giản mà đẹp mắt. Ngoài ra, logo sử dụng duy nhất 2 màu đen và trắng - màu sắc thường tượng trưng cho sự sang trọng và đẳng cấp.
5. Đại sứ thương hiệu Dior là ai?
Đại sứ thương hiệu luôn là những người có vai trò quan trọng trong việc đưa hình ảnh của thương hiệu tới gần hơn với công chúng. Là một thương hiệu thời trang lớn, những người được Dior "gửi mặt chọn vàng" đều là các nghệ sĩ nổi tiếng và gần như không có thị phi đời tư. Một số gương mặt tiêu biểu bao gồm Jisoo (BLACKPINK), Jennifer Lawrence, Natalie Portman, Bae Suzy...
6. Các dòng sản phẩm của Dior
Hiện tại, Dior sở hữu 5 dòng sản phẩm chính bao gồm Dior Womens wear (thời trang nữ, bao gồm cả Haute Couture), Dior Homme (thời trang nam giới), Dior Make-up & Skincare (các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm), Dior Fragrance (nước hoa) và Dior Kid (sản phẩm dành cho trẻ em).
7. Các cửa hàng Dior tại Việt Nam
Hiện tại, Dior có 2 cửa hàng thời trang ở Việt Nam tại địa chỉ:
- Hà Nội: Hanoi International Centre Boutique, 17 Phố Ngô Quyền, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm.
- TP. Hồ Chí Minh: L1-06C, TTTM Union Square, 171 Đường Đồng Khởi, Quận 1.