Cách sơ chế lô hội nấu chè giải nhiệt đảm bảo giòn, để lâu mà không nhớt
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ ba, 04/05/2021 13:15 (GMT +7)
Nhiều chị em gặp phải vấn đề khi chế biến lô hội như nhũn, nhớt, không bảo quản được lâu. Vậy thì hãy cùng tham khảo cách sơ chế lô hội cực chuẩn này nhé!
Lô hội hay còn có tên gọi khác là nha đam mang lại rất nhiều công dụng khác nhau như trị mụn, dưỡng da, chống oxy hóa hay hỗ trợ cả đường tiêu hóa nữa. Chưa kết, khi nấu nước lô hội với đường phèn, lá dứa thì còn là một thức uống để giải khát cực kỳ thích hợp cho mùa hè nóng nực đấy.
Cách để có thể nấu nước lô hội cực kỳ đơn giản. Thế nhưng có nhiều chị em vẫn không thể làm thành công vì lô hội vẫn dính rất nhiều nhớt và khử sạch được mùi hăng hay có vị đăng đắng. Vậy phải xử lý thế nào? Mới đây, một tài khoản FB có tên Bếp Nhi Đỗ đã chia sẻ cách sơ chế lô hội khiến rất nhiều chị em vô cùng thích thú. Cùng khám phá thôi nào!
1. Cách sơ chế lô hội không bị nhớt
Bước 1:
- Khi mua về, bạn cần rửa sạch lô hội với nhiều lần nước. Sau đó, bạn mang lô hội đi cắt khúc và lột sạch vỏ
- Chuẩn bị sẵn thêm một chậu nước muối nữa (nước muối không nên quá mặn)
- Thái lô hội thành những hạt lựu. Tuy nhiên, các bạn nên thái hạt to một chút để có thể giữ lại được chút chất nhầy phía trong thịt lô hội nhé. Nếu bạn thái quá nhỏ thì khi sơ chế cùng với chanh, chất nhầy của lô hội sẽ bay hết mất đó. Thế nhưng nếu muốn sạch được chất nhầy của lô hội thì bạn có thể cắt nhỏ, lúc nấu xong, lô hội sẽ giòn, dai và đảm bảo không bị nhầy.
- Thái lô hội xong thì bạn thả vào trong âu nước muối đã được chuẩn bị sẵn trước đó.
Bước 2:
- Vắt 1 trái chanh vào trong chậu nước ngâm lô hội. Ngâm tiếp khoảng 5 - 10 phút rồi sau đó vớt lô hội rồi để ráo. Việc bạn vắt chanh vào trong sẽ giúp cho lô hội được sạch phần nhớt và bớt mùi hơn đấy.
Bước 3:
- Đun một nồi nước sôi trên bếp, sau đó tắt bếp rồi thả lô hội vào và đảo đều. Đổ ra rổ để cho ráo nước.
- Bước này sẽ giúp làm sạch các chất nhầy, để lúc nấu nước lô hội sẽ luôn được trong và không bị dẻo.
Vậy là bạn đã hoàn thành xong bước sơ chế để lô hội không bị nhớt, mùi hăng và đảm bảo luôn giữ được độ giòn, dai và bảo quản được lâu rồi đấy. Thành phẩm lô hội khi bạn hoàn thành đó chính là giòn giòn, phần nước thì trong veo mà lô hội thì lại không bị quá dẻo.
2. Cách nấu lô hội với đường phèn
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Lô hội: đã được sơ chế từ trước
- Lá dứa
- Đường phèn
- Nước
Các bước thực hiện
- Đun nước sôi trên bếp, sau đó thả lá dứa cùng đường phèn vào (bạn tự điều chỉnh độ ngọt theo sở thích của mình nhé)
- Khi đường đã tan hết thì cho phần lô hội vào. Để lửa nhỏ đun trong khoảng 10 phút
- Khi uống, bạn có thể vắt thêm chút nước cốt chanh cho thơm. Nước có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng 3 tuần nhé
Chúc các bạn thành công nhé với cách làm này nhé!