Chàng sinh viên bỏ học trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất hành tinh
- Thu Trần
- Đăng lúc: Chủ nhật, 06/12/2020 15:21 (GMT +7)
Cổ phiếu Luminar tăng gần 30% sau khi IPO hôm 3/5 đưa CEO Austin Russell, 25 tuổi, trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới với tài sản trị giá khoảng 3,3 tỷ USD.
Theo chia sẻ từ tờ New York Times, Austin Russell đã là một thần đồng khoa học từ khi còn nhỏ. Vào lúc 2 tuổi, trong khi những đứa trẻ khác còn đang vật lộn với bỉm sữa thì Russell đã thuộc vanh vách bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.
Chia sẻ với CNBC, anh cho biết mình bị ám ảnh phải học một số thứ nhất định và hiểu sâu các lĩnh vực khoa học mới.
Đến năm 10 tuổi, Russell bắt đầu làm quen với việc viết phần mềm. Lần ấy, do bố mẹ không cho mua điện thoại nên cậu đã chuyển đổi máy chơi game thành điện thoại di động. Và thật ngạc nhiên, chiếc máy cậu tự chế thực sự hoạt động tốt.
Đến tuổi thiếu niên, Russell càng thích những thứ phức tạp hơn như: hệ thống máy tính, siêu máy tính, những thứ khác trên phần cứng và sau đó phát triển dựa trên công nghệ laser, quang học và quang điện tử.
Russell nhận ra có "một chân trời hoàn toàn mới" trong lĩnh vực quang tử và cậu muốn trở thành một phần của nó. Từ năm 14 tuổi, Russell đã bắt đầu nghiên cứu về Lidar. Được biết, đây là một phương pháp sử dụng tia laser để đo khoảng cách của vật thể, nó dùng để tạo bản đồ 3 chiều. Đây cũng chính là công nghệ hàng đầu cho phép xe ô tô tự lái xác định và tránh chướng ngại vật.
Dù Russell phát minh công nghệ này ở trung học, tuy nhiên cậu chỉ thực sự bắt đầu công việc kinh doanh của mình sau khi bỏ học đại học vào năm 17 tuổi. Thời điểm đó, bố mẹ của Russell tỏ ra nghi ngờ về quyết định này.
Tuy nhiên, vì con trai mình đã xây dựng một một phòng nghiên cứu trong nhà để xe từ năm 11 tuổi nên họ cũng thừa biết khả năng của con. Theo đó, công ty khởi nghiệp của Russell đã âm thầm hoạt động 5 năm trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 4/2017, trụ sở tại Orlando.
Luminar hiện là công ty sản xuất cảm biến nhận diện ánh sáng và khoảng cách (còn gọi là lidar), trên nền tảng sử dụng các chùm phản xạ laser để dẫn đường cho xe cộ. Những bộ cảm biến thường có giá khá đắt đỏ và Luminar thật sự đã nổi bật trong lĩnh vực startup đầy cạnh tranh nhờ việc cân đối được chi phí.
Hiện Luminar đang bán sản phẩm của mình cho những tập đoàn xe hơi lớn như Volvo, Daimler hay thậm chí là Mobileye của Intel.
Nhìn lại chặng đường 5 năm trước khi trở thành tỷ phú, Russell vẫn cảm thấy đây là điều đáng kinh ngạc và siêu thực với anh. Russell chia sẻ, thời điểm đó anh thường làm việc 100 giờ mỗi tuần, anh và đội ngũ của mình đã tốn rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thức nhiều đêm liền. Và cuối cùng nỗ lực của anh và đội ngũ của mình cũng được ghi nhận.