Nguồn gốc của Táo quân và ý nghĩa của ngày tiễn ông Táo về trời
- ThanhPham
- Đăng lúc: Thứ sáu, 01/01/2021 15:15 (GMT +7)
Ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, một trong những ngày lễ quan trọng nhất để tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới của người Việt.
Trong quan niệm của người Việt thì ông Táo hay Táo Quân là vị thần hộ mệnh mang đến may mắn cho các gia đình. Bắt nguồn từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng khi truyền bá sang đất ta đã được Việt hóa thành sự tích “2 ông 1 bà” – tượng trưng cho thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc.
Vào ngày Ông Công ông Táo, người dân khắp nơi trên cả nước đều sửa soạn đầy đủ mâm lễ để ông Táo về chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tốt đẹp và cả hạn chế mà gia chủ đã làm trong một năm. Bên cạnh đó, phong tục này còn mang rất nhiều ý nghĩa nhân văn, hướng thiện cao đẹp.
Sự tích ông Công ông Táo
Có nhiều truyền thuyết được dân gian truyền lại về sự tích Táo quân, trong số đó có nhiều dị bản khác nhau. Tuy nhiên nổi tiếng và phổ biến rộng rãi nhất là câu chuyện “Sự tích Vua bếp” dưới đây.
Thuở xưa, có hai vợ chồng tên là Thị Nhi và Trọng Cao. Lấy nhau đã lâu nhưng mãi không có con nên tình cảm đâm ra lạnh nhạt. Một hôm, Trọng Cao gây chuyện đuổi đánh vợ, Thị Nhi liền bỏ đến xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng.
Về Trọng Cao, sau khi vợ bỏ đi mất thì đâm ra ân hận, day dứt nên đi tìm vợ khắp nơi. Nhưng đi mãi chẳng tìm được vợ, cạn tiền đói khổ, Trọng Cao phải làm kẻ ăn xin và tình cờ một ngày, Cao đến xin ăn đúng nhà của Thị Nhi đúng hôm Phạm Lang đi vắng. Thị Nhi nhận ra chồng cũ, bèn nấu cơm cho ăn và cho nghỉ trong nhà.
Đúng lúc đó thì Phạm Lang về đến, lo chồng mới nghi ngờ, Thị Nhi bèn bảo Trọng Cao ra trốn trong đống rơm ngoài vườn. Chẳng may, Phạm Lang về nhà lấy tro bón ruộng nhưng không có, bèn nổi lửa đốt đống rơm để lấy tro. Vô tình đốt cả Trọng Cao đang nằm trong đấy, thấy thế, Thị Nhi lao mình vào cứu mà cũng bị thiêu, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy vào theo, cuối cùng cả ba đều bỏ mạng trong lửa đỏ.
Ngọc Hoàng Thượng đế thấy thương 3 người sống có tình có nghĩa nên phong cho 3 người làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân, giao cho Phạm Lang là Thổ Công trông coi việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn Thị Nhi là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
Ý nghĩa của tục cúng ông Công, ông Táo
Tác giả Minh Đường trong sách Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên cho hay: Trong các vị thần thì Táo quân là vị thần theo sát nhất đời sống hàng ngày của người dân, là tai mắt tay chân của Ngọc Hoàng với muôn nhà.
Người dân thờ cũng các vị Táo quân với mong muốn được sự phù trợ và bảo vệ của các thần trước quỷ ma, không cho chúng xâm phạm đến nhà cửa, làm hại người trong gia đình. Điều này cũng bao hàm việc cầu bình an, may mắn mỗi ngày. Hàng năm, Táo quân sẽ ghi lại những công tội, tốt xấu của mọi người để cuối năm lên trời báo cáo Ngọc Hoàng mà định công luận tội. Vì vậy, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất trọng thể để mong Táo Quân phù trợ.
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, một năm mở đầu từ ngày mồng 1 Tết Nguyên Đán và kết thúc vào ngày 23 tháng Chạp, tức là Tết ông Công, ông Táo. Đến đêm giao thừa, sau khi hoàn thành báo cáo trên thiên đình thì Táo quân lại trở về cùng gia đình bước vào năm mới.