Dưới đây là 10 điều kiêng kỵ dịp Tết bạn nên nhớ và tránh mắc phải vào những ngày đầu xuân năm mới để có cả năm được sung túc đủ đầy.
Người ta quan niệm rằng đầu năm làm gì cả năm đều vậy, nên nếu trong ngày Tết mà khóc lóc, buồn tủi, nói những điều không vui thì cả năm sẽ gặp toàn chuyện buồn và những điều không may mắn. Vì vậy, bạn hãy cố gắng kìm chế những cảm xúc buồn và tránh nói những điều không hay làm mất đi không khí năm mới vui vẻ. Hãy thoải mái tận hưởng trọn vẹn giây phút hạnh phúc sum vầy bên người thân và gia đình
Dân gian quan niệm rằng nếu quét nhà vào 3 ngày đầu năm là sẽ quét đi hết tài lộc và may mắn khiến cả năm sẽ nghèo túng, bần hàn. Nếu bạn có quét thì phải để rác ở một góc nhà chứ không được hốt bỏ đi. Chính vì thế mà trước đêm giao thừa dù có bận đến đâu thì mọi người đều cố gắng dọn dẹp nhà cửa, sân vườn cho sạch đẹp. Riêng vùng Nam Bộ còn có lệ cất hết chổi sau khi dọn vì người dân cho rằng, lỡ có bị mất chổi thì là điềm xui xẻo rất lớn trong năm mới, điềm báo sẽ mất mát cho cả năm.
Lửa đỏ là tượng trưng của may mắn còn nước được ví như nguồn sống, nguồn tài lộc, nguồn năng lượng của gia đình. Nếu đầu năm mà lỡ cho người khác xin lửa, xin nước thì sẽ bị mất lộc, thất bại nhiều, tai ương lắm.
Những ngày đầu năm nên kiêng không cho vay hoặc đi vay, bởi cho vay là cho đi tiền tài, khiến gia đình bị rơi vào túng thiếu cả năm, đi vay thì sẽ vận vào cả năm nghèo khó, phải đi vay mượn thường xuyên. Nếu trả nợ đầu năm thì cả năm thất thoát, làm ăn khó khăn.
Người Việt ta quan niệm màu đen – trắng tượng trưng cho sự tang tóc, chia ly hoặc không may mắn nên vào ngày Tết nên tránh mặc quần áo màu đen hoặc trắng, nên mặc các loại màu sắc sặc sỡ, tươi trẻ để cầu năm mới tươi tắn, nhiều niềm vui.
Việc là người đầu tiên vào cửa nhà nào đó sáng mồng Một gọi là xông đất, đây là việc rất quan trọng trong văn hóa đón năm mới của người Việt vì nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc làm ăn cả năm của nhà đó. Nếu bạn không hợp tuổi hợp mệnh thì sẽ mang lại điều không tốt lành cho gia chủ, nên tốt nhất là sáng mùng Một có đi thì chỉ nên sang thăm ông bà, cha mẹ, họ hàng thân thuộc hoặc đi chùa chiền mà thôi.
Rất dễ dàng hiểu được tại sao người xưa kiêng sự đổ,vỡ đồ đạc vào ngày đầu năm mới, đó là điềm xấu, báo hiệu sự chia ly, không may cho cả năm. Vì thế cần hết sức thận trọng khi sử dụng các đồ vật dễ vỡ như là gương, cốc, bát, chén, ly.
Dân gian ta có câu: “Mùng năm, mười bốn, hai ba/ Đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”. Theo Âm lịch, mùng 5 là ngày Nguyệt kị rất xấu không thích hợp cho việc xuất hành hay mở hàng vào ngày này.
Giả như không may gia đình có người mất vào ngày mùng một thì phải để qua ngày sang ngày hai mới phát tang. Sâu xa hơn thì nếu gia đình trong năm có đại tang thì năm mới cũng tránh đi chúc Tết, thăm hỏi người khác bên ngoài.
Với mỗi vùng miền lại có món ăn cần kiêng vì sẽ đem lại xui rủi cho cả năm sau, các món phổ biến cần kiêng cho cả 3 miền là: thịt chó, thịt vịt, mực. Người miền Bắc và Miền Trung kiêng ăn trứng vịt lộn, cá mè, riêng người miền Trung còn kiêng cả đu đủ. Miền Nam kiêng ăn cua, ăn tôm vì ngang và đi giật lùi, không phát tài được, kiêng ăn chuối vì mọi người quan niệm rằng như thế sẽ đen đủi cả năm. Bên cạnh đó còn có quan niệm nếu bạn đánh thức người khác trong năm mới thì cả năm họ sẽ phải chịu sự hối thúc của người khác, chúc Tết người đang ngủ thì bị coi là sẽ trù yểm họ bệnh tật, đau yếu.
Mỗi vùng miền sẽ có những phong tục,những kiêng kỵ khác nhau tùy theo lối sống, văn hóa và tín ngưỡng đặc trưng. 10 điều trên là một số những điều kiêng kỵ phổ biến và nổi bật nhất bạn cần ghi nhớ để phát tài phát lộc và đón một năm mới an lành, may mắn bên người thân và gia đình.
Bình luận