Nhựa đào, thứ sần sùi tiết ra từ cành đào trưng Tết hóa ra là “giọt lệ đào hoa” có tác dụng làm đẹp cho phụ nữ
- Yến Yến
- Đăng lúc: Thứ ba, 23/02/2021 17:25 (GMT +7)
Gần đây, rất nhiều người, đặc biệt là chị em săn lùng nhựa đào để nấu chè dưỡng nhan, bồi bổ sức khỏe, nhan sắc. Vậy nhựa đào là gì? Sử dụng nhựa đào ra sao?
Gây xôn xao trên các trang mạng xã hội bởi khả năng cung cấp collagen tự nhiên cho cơ thể, cải thiện nhan sắc, giảm cân... , nhựa đào thực ra là gì? Công dụng có thật sự thần thánh như vậy không?
Nhựa đào là gì?
Nhựa đào (còn gọi bằng tên mỹ miều là đào hoa lệ - giọt lệ của hoa đào) là chất lỏng nhớt được tiết ra từ thân và cành của cây đào để tự “chữa thương” cho cây đào khi bị xước, chặt lẹm vào thân cây. Chỉ những cây khỏe mạnh, lâu năm mới có “đào hoa lệ”. Nhựa đào sau khi khô cứng lại trên cây có màu sắc hơi giống hổ phách.
Khi cần sử dụng, người ta ngâm nước khoảng 8 - 10 giờ cho đến khi trở thành nguyên liệu trong suốt, không mùi, có kết cấu dai, giòn nhẹ. Cách dùng thông dụng nhất là nấu cùng các nguyên liệu khác để làm chè dưỡng nhan.
Nhựa đào có công dụng gì?
Thời xa xưa, trong cung đình các đời thường dùng nhựa đào trị bệnh và chế biến các món ăn để dâng cho cung tần mỹ nữ. Nhựa đào từ xa xưa đã có ghi chép trong các Y thư cổ đại Trung Quốc, cho rằng nhựa trên cây đào làm thông các chất dịch, có khả năng điều trị chứng huyết lâm (đái máu) và thạch lâm (sỏi tiết niệu).
Nhựa đào được tin là có công dụng thanh huyết giáng đàm, giảm căng thẳng và chống nhăn da, làm đẹp da. Nó cũng giúp tăng cường chức năng đường ruột, thúc đẩy nhu động ruột, giúp giảm triệu chứng của táo bón. Những năm gần đây, nhựa đào trở nên phổ biến vì công dụng dưỡng dung nhan, dưỡng sắc đẹp của nó.
Các nhà khoa học phát hiện ra, thành phần chính của nhựa đào là galactose, rhamnose, α-glucuronic acid và các loại tương tự. Còn chứa carbohydrate, chất béo, protein và collagen thực vật.
Theo thầy thuốc nhân dân, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, tác giả cuốn “Thảo mộc quanh nhà, thực dưỡng và làm thuốc”, đào là một cây cho nhiều quả, hoa nở vào đầu xuân rồi sau mới ra lá. Đào trồng ở vùng núi cao, lạnh như Sa Pa (Lào Cai) thì quả to, miền xuôi trồng thì ít quả và quả nhỏ. Ngoài ăn quả, các bộ phận khác như hạt, lá, nhựa đào đều có thể dùng làm thuốc. Hiện tại, chị em rất chuộng dùng nhựa đào để nấu chè dưỡng nhan.
Nhân hạt đào có vị đắng, chua, ngọt, tính bình, tác dụng hoạt huyết, nhuận tràng, lợi tiểu, chủ trị đau vùng tim, ho dồn và bế kinh, tiện bí. Lá đào tác dụng hoạt huyết, điều trị thiếu máu, tiêu u, chốc lở, rôm sảy... Cành đào chủ trị đau tim. Nhựa đào có thể giảm đường huyết, chủ trị đái tháo đường.
Giá nhựa đào là bao nhiêu?
Nhựa đào có lịch sử canh tác lâu dài ở Trung Quốc, với phân bố rộng bao gồm các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Bắc, Hồ Bắc, Bắc Kinh, Thiểm Tây, Sơn Tây, Cam Túc, Hà Nam và Giang Tô. Nhựa đào ở Trung Quốc thường được thu hoạch vào mùa hè. Người ta sẽ dùng dao tách vỏ cây, đợi nhựa đào trào ra và thu hoạch lấy, sau đó rửa sạch tạp chất, sấy khô và đóng gói.
Chúng ta cũng có thể khai thác nhựa đào một cách tự nhiên, sản lượng nhỏ bằng cách thu nhặt những viên nhựa đào ở thân cây, cành hoa đào trưng Tết. Bạn có thể tìm nhựa đào tại các vườn trồng đào ở làng Nhật Tân, làng Ngọc Trục (Nam Từ Liêm)... tại Hà Nội, hoặc các vườn đào ở Lào Cai. Nếu gặp may tìm thấy cây đào già, có nhiều vết xước, một cành đào nhỏ cỡ 1 vòng tay ôm có thể cho 4 - 5gram nhựa đào (đủ nguyên liệu để nấu 1 nồi chè dưỡng nhan).
Nhựa đào Trung Quốc cũng được bán nhiều trên các trang thương mại điện tử, các shop bán hàng nội địa nên mua khá dễ, giá dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng/100gram. Nổi tiếng nhất là nhựa đào có xuất xứ từ tỉnh Vân Nam.