Những điều cần kiêng kỵ ngày mồng Một để cả năm thuận lợi
- ThanhPham
- Đăng lúc: Thứ hai, 31/01/2022 16:44 (GMT +7)
Ngày mồng Một, người Việt thường có kha khá những điều kiêng kỵ không làm hoặc không phạm phải để tránh xui rủi và đem lại những điều không vui cho năm mới.
Các cụ xưa có câu "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" nên vào ngày lễ Tết quan trọng như Tết Nguyên đán thì số lượng những điều cần kiêng phạm phải cũng rất đa dạng.
Đặc biệt trong ngày mồng Một, người xưa truyền lại cho con cháu cặn kẽ những điều cần kiêng kị để tránh xui rủi và những điều không may mắn đến nhà, hòng mong một năm luôn tươi sáng, bình an và đạt được ước nguyện.
Kiêng quét nhà, đổ rác
Trong 3 ngày đầu năm mới, người ta kiêng không quét rác, đổ rác ra ngoài vì như thế nghĩa là sẽ quét bỏ hết tài lộc, vận khí tốt trong nhà đi. Hiện nay, việc tổ chức ăn uống tại nhà là phổ biến, vì thế không thể không dọn dẹp lại, cũng như đổ rác. Có nơi thì dùng mẹo, không quét hất ra cửa, mà quét vào trong để đỡ... "mất lộc" hoặc quét dồn vào một chỗ, sau những ngày Tết mới hốt đổ đi.
Trong bối cảnh nhà cửa hiện đại, nhiều gia đình ở các căn hộ chung cư nhỏ, giải pháp cho việc kiêng quét rác ra khỏi nhà là sử dụng các thùng đựng rác xinh xắn để qua ngày mới đem đổ ra.
Kiêng tang tóc, khóc lóc
Người xưa có tục kiêng những chuyện buồn ngày đầu năm. Lỡ trước Tết có tang thì cũng cất khăn tang 3 ngày Tết, nếu có người mất vào 30 Tết thì cũng kiêng không phát tang mà để sau một vài ngày. Người mà trong nhà có tang cũng kiêng không sang nhà khác chúc Tết hay xông đất, trong năm mới cũng kiêng than khóc, đánh mắng trẻ con làm chúng khóc lóc, hờn tủi sẽ làm cho không khí năm mới buồn bã, không may mắn.
Kiêng cho nước, lửa
Người xưa cho rằng lửa tượng trưng cho may mắn cho đầu năm, nên chỉ đi xin chứ không cho. Nước tượng trưng cho tài lộc, nên người xưa cũng kiêng cho nước 3 ngày đầu năm vì sợ mất lộc, mất tiền tài. Do đó mới có phong tục đến đình chùa xin "lộc"... với hy vọng cả năm được may mắn, đủ đầy.
Kiêng làm đổ vỡ đồ dùng
Người xưa kiêng làm vỡ bát đĩa, ấm chén đầu năm vì cho rằng đổ vỡ sẽ gây ra sự chia lìa, tan nát. Vì thế khi bê, đặt hay rửa bát, đĩa... hay những đồ dễ vỡ đều cần thận trọng, nhẹ nhàng để tránh "tai nạn" đáng tiếc xảy ra.
Kiêng tranh cãi, gây bất hòa
Đầu năm mọi người đều tránh giận dữ, mất hòa khí bởi điều này sẽ khiến cả năm bất an, gặp nhiều xui rủi. Vì vậy dịp đầu xuân, mọi người luôn niềm nở, giữ tâm trạng vui vẻ dù có bất đồng, xích mích. Ngay cả khi trẻ con nghịch ngợm, phạm lỗi cũng dễ được mọi người bỏ qua.
Kiêng vay, cho vay
Đi vay đầu năm được cho là sẽ túng thiếu cả năm, còn cho vay sẽ khiến tiền bạc phân tán, nên người ta có xu hướng kiêng đi vay, cho vay cũng như đòi nợ đầu năm. Ngay cả trong công việc, người ta cũng có xu hướng tránh giục, đòi người khác phải hoàn thành vì cho rằng sẽ không may mắn.
Kiêng xuất hành, mở hàng, đi lễ ngày xấu
Việc chọn lựa ngày đẹp, ngày tốt để mở cửa ngày đầu trong buôn bán, hay xuất hành đầu xuân, đi lễ đầu năm là rất quan trọng. Nhiều người hay trích dẫn câu dân gian "Mồng 5, 14, 23, đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn" để nó về những ngày cần tránh, tuy nhiên đây là những ngày cổ truyền theo tích xưa, bây giờ không còn phù hợp nữa, ngày giờ tốt mỗi năm một khác, không cố định, vì vậy cần tra cứu theo sách lịch, không phải cứ câu dân gian nào cũng áp dụng vào đời sống hiện đại, nhất là lại áp dụng máy móc lại càng không hợp.
Ngoài ra, còn có một số các điều kiêng kỵ khác, tùy theo mỗi vùng miền lại có nét riêng. Ví dụ như có nơi kiêng ăn thịt chó, ăn mực, thịt vịt ... đầu năm vì cho rằng ăn vào sẽ "đen" và mất đi sự may mắn. Hoặc có nơi lại kiêng để nồi cơm trống không trong mấy ngày Tết vì cho rằng như vậy là biểu hiện không no đủ, đói kém cho năm mới.
Về cơ bản, những kiêng kỵ trong quan niệm dân gian tuy khá phổ biến nhưng chỉ để tham khảo, không cần quá máy móc áp dụng, nhất là trong thời hiện đại, khi mà cuộc sống đã khác xưa rất nhiều.