Dù giàu hay nghèo mâm cỗ Tết miền Nam không thể thiếu những món ăn này
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ năm, 28/01/2021 16:59 (GMT +7)
Mâm cỗ Tết miền Nam tuy đơn giản nhưng rất hào sảng, gần gũi và ấm cúng, như chính những người dân nơi đây.
Chỉ còn 2 tuần nữa là sẽ đến Tết nguyên đán. Tết nguyên đán chính là khoảng thời gian để tất cả mọi thành viên trong gia đình cùng nhau sum vầy, quây quần bên mâm cỗ thịnh soạn. Điều này không chỉ là biểu tượng cho sự ấm no, đủ đầy mà còn thể hiện nỗi niềm mong ước có một năm mới luôn phát đạt và sung túc.
So với cỗ Tết miền Bắc, cỗ Tết miền Nam có phần đơn giản hơn nhưng vẫn có những ăn đặc trưng mà gia đình dù khó khăn hay khá giả tới đâu vẫn có đủ. Hãy cùng nhau bỏ túi trọn bộ món ăn truyền thống ngày Tết của người miền Nam từ bao đời nay nhé.
Bánh tét
Giống như người miền Bắc có bánh chưng là món ăn truyền thống trong dịp lễ Tết, thì nguời miền Nam lại có bánh tét. Theo quan niệm thời xưa, bánh tét biểu tượng cho sự no đủ, ấm êm trong cả một năm dài. Bánh tét hình trụ, khi ăn sẽ dùng lạt cắt thành từng khoanh tròn nhỏ.
Do thời tiết miền Nam nóng nên người miền Nam thường phải 28, 29 mới gói bánh. Nhân bánh tét đúng truyền thống chỉ có đỗ xanh, thịt lợn nhưng cùng với sự phát triển, giao hòa của ẩm thực, bánh Tét ngày nay có rất nhiều biến thể độc đáo như bánh Tét nhân trứng muối, bánh tét ngũ sắc... giúp mâm cỗ Tết của miền Nam thêm đẹp và ngon mắt.
Thịt kho hột vịt
Nguời Nam Bộ thường có thêm một đĩa thịt khô hột vịt trên mâm cơm Tết của mình. Thịt được kho đến độ mềm tới, màu nâu vàng sóng sánh lại có mùi thơm béo nức của nước dừa. Món ăn này được ăn kèm với củ kiệu hay dưa giá, tạo nên một hương vị khó lẫn, khiến người thưởng thức cảm nhận hết được cái nồng đượm của ngày Tết ở miền Nam.
Món ăn này không phải ngẫu nhiên được lựa chọn để bày biện trong những ngày lễ Tết. Nó thể hiện cho mơ ước một năm mới yên ấm sung túc. Miếng thịt tượng trưng cho âm, còn hột vịt biểu tượng cho dương, thể hiện sự đủ đầy, tròn vẹn.
Củ kiệu tôm khô
Củ kiệu tôm khô đối với người dân miền Nam là một món ngon không thể thiếu mỗi độ Tết đến xuân về. Trên mâm cơm cỗ ở đây, món ăn này cực được lòng các chú, các bác vì có vị chua chua, ngọt ngọt, lại vừa có thể dùng làm đồ nhắm để nhậu được nữa. Củ kiệu kết hợp với loại tôm khô mang đến một món ăn vô cùng hoàn hảo, khiến ai cũng phải mê mẩn ngay từ lần ăn đầu tiên.
Canh nấu khổ qua
Canh khổ qua là một món canh được chế biến và bày biện nhiều nhất trong các mâm cỗ ngày Tết ở miền Nam. Theo quan niệm từ xưa, canh khổ qua cũng như cái tên gọi của nó sẽ xua tan đi hết tất cả những khó khăn, khổ cực của năm cũ để có thể đón những điều may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Món canh này không những giúp thanh nhiệt cơ thể, giải mỡ lại phù hợp với ngay cả tiết trời nắng ấm của miền Nam.
Trên đây là những món ăn cổ truyền của người miền Nam trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm bí quyết để bày biện một mâm cỗ đủ đầy để dâng lên tổ tiên, ông bà cũng như thưởng thức cùng với gia đình của mình nhé.