5 món bún ngon, dù sành ăn đến mấy cũng ít nhiều bối rối khi mới nghe tên
- Ngân Thị
- Đăng lúc: Thứ hai, 15/03/2021 10:46 (GMT +7)
Nếu không được người dân giới thiệu hoặc tận mắt nhìn thấy thì bạn khó có thể hình dung được về món bún này khi chỉ nghe tên.
1. Bún đũa
Bún đũa có “ngoại hình” gần giống với bánh canh của miền Nam. Nhưng vẫn có thể phân biệt được bún đũa Nam Định bằng kích thước sợi bún to như đầu đũa, mềm mại nhưng không nhũn. Bún đũa được ăn kèm với nước dùng cua cùng với đó là một vài loại rau theo mùa như rau muống, rau cải hay rau rút, bên trên được chan ít gạch cua phi mỡ hành vàng ươm, thơm lừng. Bún đũa là món ăn dân dã, có bán nhiều ở các khu chợ Nam Định.
2. Bún chìa
Buôn Ma Thuột không chỉ có cà phê nịnh lòng người đâu nhé, ở đây còn có bún chìa (bún giò chìa) - một món bún đặc sản nổi tiếng rất đáng để thử. Phần nước dùng của bún chìa khá giống với bún bò Huế bởi có mắm ruốc. Tuy nhiên bún chìa không dùng thịt bò mà dùng thịt tảng phía chân sau của lợn.
Thịt để nấu bún chìa sau khi được chọn lựa kỹ càng sẽ mang về để sơ chế sạch sẽ, sau đó đem ninh nhừ trong nồi nước dùng. Thời gian ninh thịt cũng khá lâu để ra được nước ngọt của thịt lại giúp thịt mềm. Sau khi thịt ninh nhừ, người bán sẽ để riêng cho nguội và chỉ thả vào nồi cho nóng lại khi có khách gọi món. Nhờ đó, cục thịt sẽ giữ được dai ngọt mà không bị quá mềm. Bún chìa là món ăn tối nhiều dinh dưỡng được thực khách ưa thích khi đến Buôn Mê Thuột.
3. Bún cua thối
Giống như tên gọi, bún cua thối có mùi hơi khó ngửi do có nguyên liệu là cua đồng lên men. Đây là món ăn đặc sản nổi tiếng của thành phố Pleiku (Gia Lai). Để làm ra món món ăn có 1-0-2 này, người ta sẽ dùng cua đồng giã nhuyễn lấy nước rồi ủ qua 1 ngày đêm để lên men cho dậy mùi rồi mới mang đi chế biến thành nước dùng cho món ăn. Chính vì vậy mà nước dùng sau khi nấu có màu nâu đen và khá khó ngửi.
Một tô bún cua đầy đủ là tô bún có hương vị hài hòa của thịt ba chị, bánh phồng, da heo chiên, trứng vịt, chả,... Nước dùng chan đậm đà ngập phần nhân và bún. Đương nhiên, để tô bún thối đúng vị thì phải ăn kèm với rau sống, vắt thêm chanh và một chút ớt cay nhẹ. Thực ra không phải ăn cũng chịu được hương vị của bún cua thối nhưng với những người ăn được thì đây quả là món ăn gây nghiện.
4. Bún kèn
Cái tên bún kèn nghe lạ tai như vậy bắt nguồn từ cách gọi của các món ăn được nấu bằng cốt dừa trong tiếng Khmer. Bún kèn có tiếng tăm ở Phú Quốc, tuy không thực sự phổ biến như các loại bún kể trên nhưng bún kèn luôn là món ăn quen thuộc của người dân thành phố đảo.
Nguyên liệu chính của bún kèn chính là cá mà cụ thể là những loại cá đặc trưng của Phú Quốc như cá nhàu hoặc cá ngân để chế biến bún kèn. Cá sau khi sơ chế sạch sẽ được xay nhuyễn rồi xòa chung với sả, ớt, tỏi… Bún kèn được nấu cùng với nước cốt dừa, bột cà ri tạo nên hương vị béo ngậy khó quên.
5. Bún gỏi dà
Bún gỏi dà (bún gỏi và) là loại bún nghe tên xong chúng ta chẳng có chút dữ liệu nào về món ăn. Tuy vậy, đây là món ăn khá phổ biến ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là tỉnh Sóc Trăng. Bún gỏi dà có các nguyên liệu quen thuộc như bún, giá, rau xanh, tôm, thịt...
Dù đồ ăn kèm đã dạng nhưng thứ làm nên hồn cốt của bún gỏi dà lại là nước sup và tương xay. Tùy từng người nấu mà nước súp và tương xay có chút khác biệt trong hương vị. Nhưng về cơ bản nước súp gỏi già phải ngọt đậm đà vị xương ninh. Tương xay đậm đà cũng là một thứ phụ gia làm nên vị ngon của bún. bún gỏi dà thường được ăn kèm với nhiều loại rau thơm như xà lách, bắp chuối thái sợi, giá, hẹ...