Nokia: Từ ông Vua tới kẻ trắng tay và hy vọng hồi sinh chưa bao giờ tắt
- Thanh Pham
- Đăng lúc: Thứ ba, 13/10/2020 21:42 (GMT +7)
HMD Global (đơn vị chủ quản hiện nay của thương hiệu Nokia) đang dần thu về những thành tựu sau nhiều năm nỗ lực tái sinh lại một đế chế hùng mạnh một thời.
Chiếc điện thoại huyền thoại của thế hệ 8x
Với thế hệ 8X trở về trước, Nokia là một huyền thoại. Ở thời kỳ hoàng kim của mình, Nokia từng khiến 90% người tiêu dùng mặc định đã mua điện thoại là phải mua Nokia. Nhưng rồi, khi thời đại smartphone đến với những sản phẩm đột phá từ iPhone, Samsung và sau đó là một loạt các sản phẩm giá rẻ từ các hãng điện thoại Trung Quốc, Nokia mất ngôi vương, lún sâu vào khủng hoảng.
Năm 2013 đánh dấu sự thất thế hoàn toàn của Nokia khi thương hiệu này chấp nhận bán đứt bộ phận sản xuất điện thoại và các dịch vụ di động của mình cho Microsoft với giá 7,1 tỷ USD. Tuy nhiên, dù có Microsoft chống lưng thì Nokia vẫn thất thế và “thoi thóp” trên thị trường khi Hệ điều hành Windows Phone cũng không thể là đối thủ xứng tầm của IOS và Android.
Trước bối cảnh thua lỗ trầm trọng, Microsoft đã “cắn răng” bán Nokia vào năm 2016 cho HMD Global và FIH Mobile.
HMD Global – một công ty đến từ Trung Quốc - rất “thức thời” khi hướng Nokia phát triển mạnh về màng dữ liệu trực tuyến, đặc biệt là công nghệ 5G và đưa ra nhiều chiến lược khác nhau để đánh dấu sự trở lại thị trường điện thoại của mình. Sau một thời gian ngắn, HMD đã rất thành công khi nhắc cho người dùng nhớ rằng Nokia vẫn “tồn tại”, thậm chí là đang chuẩn bị một kế hoạch vĩ đại để mang "Nhà vua" trở lại.
Phía sau việc tái sinh những huyền thoại gây thương nhớ của Nokia
Chiến lược đầu tiên của HMD Global là nhắc cho người tiêu dùng về những ký ức huy hoàng của những mẫu điện thoại huyền thoại một thời, qua đó gửi thông điệp cho thế giới biết rằng cái tên Nokia chưa bao giờ biến mất
Chiếc điện thoại huyền thoại đầu tiên được Nokia tái sinh là 3310, được đánh giá là “siêu nhân bất hoại” về độ bền khi có thể vỡ văng pin, thả từ độ cao hàng chục mét vẫn xài được bình thường. Tiếp sau đó là 8110, chiếc điện thoại từng xuất hiện ở dòng phim Ma trận nổi tiếng, hay Nokia 2720 Flip, dòng điện thoại nắp gập của hiếm của Nokia.
Gần đây nhất là chiếc Nokia 5310 XpressMusic, niềm mơ ước một thời của thế hệ trẻ. Tất nhiên khi hồi sinh lại, HMD cũng có những thay đổi. Để hợp với thời đại, Nokia đưa vào những mẫu điện thoại hoài cổ này các màu sắc và tính năng thời thượng như khả năng truy cập web, kết hợp mạng 4G. Giá của các dòng điện thoại này rất rẻ, chỉ từ vài trăm tới dưới 2 triệu đồng, rât dễ mua chuộc khách hàng hoài cổ thích những gì của quá khứ và độ bền.
Trung bình cứ mỗi năm, Nokia đang tái sinh lại 1 huyền thoại bên cạnh việc tung ra các sản phẩm mới, tập trung chủ yếu vào các dòng smartphone tầm trung, giá rẻ.. Việc cho ra mắt xen kẽ này là một chiến lược thông minh của hãng, thay vì phải bỏ ra hàng đống tiền để quảng bá cho các sản phẩm smartphone Nokia có phần xa lạ với nhiều người dùng. Chiếc lược phát hành song song các mẫu điện thoại mới với các dòng huyền thoại cũ cũng giúp Nokia lập tức được nhiều người biết đến với những ký ức vui vẻ của ngày xưa cùng nỗi tò mò về sự thay đổi của các sản phẩm mới ngày nay.
Chiến lược sản phẩm thông minh và “biết người biết ta”
Việc lựa chọn tập trung trọng điểm vào phân khúc giá rẻ và tầm trung cũng là một chiến lược khôn ngoan của HMD Global. Hầu như Nokia không ra mắt các mẫu flag ship cao cấp với giá thành cao, bởi thật khó để có thể cạnh tranh sòng phẳng ở mảng điện thoại cao cấp với 2 ông lớn Apple và SamSung, chưa kể hàng loạt hãng điện thoại đến từ Trung Quốc như Huawei, XiaoMi, Oppo… cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ. Nokia lựa chọn đưa ra các sản phẩm đáp ứng đủ những tính năng cơ bản đồng thời chắt lọc và cung cấp các điểm “độc đáo” cho người dùng để dần chiếm lấy cảm tình của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Trong quý II/2019, một loạt mẫu smartphone giá rẻ, tầm trung như Nokia 2.2, Nokia 3.2 và Nokia 4.2 được ra mắt. Những thiết bị này có thiết kế cuốn hút, có cả nút Google Assistant chuyên dụng, đèn LED thông báo được gắn vào nút nguồn và đặc biệt giá thành hết sức hấp dẫn, thu hút giới trẻ.
Tại các thị trường Mỹ, bằng cách công bố những mẫu smartphone Nokia độc quyền cho các nhà mạng như Verizon, Cricket Wireless và AT & T, Nokia cũng ngay lập tức mang về cho mình một lượng khách hàng mới ổn định.
Bênh cạnh đó, tại nhiều thị trường tiềm năng lớn như Ấn Độ, các nước Châu Phi và khu vực Đông Nam Á, Nokia đã liên tục xây dựng chính sách giảm giá để phù hợp với nhiều tầng lớp người sử dụng hơn.
Kết quả là, tính đến hết năm 2018, đã có tới hơn 80 triệu chiếc điện thoại mang thương hiệu Nokia được bán ra trên toàn cầu, HMD Global cho biết họ đã đạt doanh thu ròng lên tới 2,4 tỉ EUR, tương đương với mức lợi nhuận tăng 7%. Đến quý II năm 2019, mức tăng trưởng này đã tăng lên đến 20% so với cùng kỳ năm trước. Điều này giúp Nokia sau nhiều năm “lặn mất tăm” đã quay trở lại top 10 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới, đứng ở vị trí thứ 9. Dù khá khiêm tốn so với thời hoàng kim, nhưng người tiêu dùng không quên rằng, nhiều thương hiệu từng là “ông lớn” một thời như LG, HTC, Sony đã “bật bãi” và còn không có mặt trong danh sách nêu trên.
Thậm chí, tại thị trường Tây Âu, dù bị sụt giảm tới 19% doanh số vì ảnh hưởng của đại dịch Covid, Nokia vẫn là thương hiệu smartphone đứng thứ 5 tại đây, chỉ sau 4 cái tên đình đám là Apple, Samsung, Huawei và Xiaomi.
Bước chuyển mình và tham vọng cho tương lai của thương hiệu Nokia
Những thành tựu đạt được trên chặng đường hồi sinh trong mảng thiết bị di động những năm qua của Nokia là đáng ghi nhận, nhưng chắc chắn nó không phải là điểm đến cuối cùng mà HMD Global hướng tới. Bởi mục tiêu lớn nhất của HMD Global khi tiếp quản Nokia là vực dậy một thương hiệu, khôi phục lại cái tên một thời là vị vua của một đế chế bất bại trong nhiều lĩnh vực công nghệ.
Kể từ năm 2013, khi ông Rajeev Suri lên tiếp quản vị trí giám đốc điều hành. Dưới sự lãnh đạo của ông, Nokia đã mua lại Alcatel-Lucent, nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Pháp với giá khoảng 18,6 tỉ USD. Ông cũng đã thành công chuyển đổi nhà sản xuất điện thoại di động thành công ty hạ tầng viễn thông.
Tính đến cuối tháng 4/2020, Nokia cho biết đã ký hợp đồng liên quan đến 5G với khoảng 70 hãng viễn thông trên thế giới. Nokia, Huawei và Ericsson là những công ty đang cùng dẫn dầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị 5G, kiểm soát khoảng 80% thị trường toàn cầu cho các trạm gốc di động.
Nhưng Nokia không dừng lại ở đó, sau khi về với HMD Global và đặc biệt, khi ông Pekka Lundmark lên thay ông Rajeev Suri vào tháng 9/2020, bằng sự hiểu biết lâu năm về thị trường Trung Quốc, vị tân giám đốc điều hành của Nokia này không ngần ngại khẳng định sẽ đưa Nokia thâm nhập vào ngành công nghiệp cơ sở hạ tầng 5G của Trung Quốc với mục tiêu chiếm thị phần số 1 về 5G tại đây, đánh bại “gã khổng lồ” Huawei Technologies.
Và Nokia không chỉ nói “cho vui” về mục tiêu trên, cuộc chiến giữa Nokia và Huawei có những biến chuyển về cán cân lực lượng trong thời gian qua. Cụ thể, vào ngày 29/9, Nokia thông báo đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị 5G với BT - Tập đoàn viễn thông lớn nhất Vương quốc Anh - để đưa Nokia trở thành nhà cung cấp lớn nhất, chiếm 63% toàn bộ mạng lưới của BT tại Anh quốc, vốn trước đây là thị phần thuộc về Huawei Technologies, Ngoài ra, một loạt các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Đức... đều tuyên bố sẽ rút bỏ dần các thiết bị được cung cấp bởi Huawei, lựa chọn nhà cung cấp 5G là Nokia và Ericsson.
Như vậy, cái tên Nokia đã thực sự trở lại và ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới. Từ vị thế là một kẻ “hết thời” phải bán tống bán tháo các mảng kinh doanh và các thương hiệu làm nên tên tuổi, một lần nữa, Nokia lại khiến người ta phải nhắc đến tên mình với địa vị là 1 ông lớn trong ngành công nghệ, điện tử viễn thông. Chặng đường để trở lại ngai vàng sẽ còn rất dài và gian nan, nhưng Nokia đang là minh chứng cho sức sống của các thương hiệu dù đã qua đỉnh cao vàng son, nhưng vẫn kiên trì bước tiếp để hồi sinh mạnh mẽ nếu có một đường hướng lãnh đạo đúng đắn và giàu ý tưởng.