Sunat: Hủ tục cắt bỏ âm vật của người Singapore
- Trúc Mai
- Đăng lúc: Thứ hai, 07/12/2020 17:51 (GMT +7)
Ít ai biết rằng ở một quốc gia phát triển như Singapore lại tồn tại hủ tục cắt bỏ âm vật vô cùng tàn nhẫn đối với những em bé gái
Đối với một số gia đình theo đạo Hồi ở Singapore, phái nam phải cắt đi bao quy đầu từ khi còn bé. Và họ cũng tin rằng, các bé gái cũng cần phải như vậy. Tập tục cắt bỏ phần âm vật ở nữ phổ biến ở Châu Phi và một số quốc gia theo đạo Hồi.
Tập tục này chưa xác định được đã có mặt tại "đảo quốc sư tử" vào thời gian nào. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, một số gia đình theo đạo Hồi Malay truyền thống ở Singapore vẫn còn áp dụng tập tục này. Đây được xem như thủ tục bắt buộc khi sinh ra trong gia đình Hồi giáo.
Rizman - một chuyên gia truyền thông 34 tuổi - chia sẻ về hủ tục "phi nhân tính" này như sau. Khi em gái còn nhỏ, bố mẹ anh đã bàn bạc về chuyện đưa con đến bệnh viện để phẫu thuật phần âm vật.
Lúc ấy vì quá nhỏ nên Rizman cũng chẳng mấy bận tâm về điều đó. Cho đến khi anh lập gia đình và có một cô con gái. Lúc này, gia đình hai bên luôn hỏi về việc bao giờ mới cho con đi "sunat".
"Sunat" là một thuật ngữ tiếng Malaysia. Từ này nhằm đề cập đến việc loại bỏ một bộ phận sinh dục ở cả nam và nữ giới. Nếu nam giới là bao quy đầu, thì nữ giới là âm vật. Nhận ra "sunat" là một "thủ tục" quan trọng của tôn giáo, hai vợ chồng Rizman đã đưa con gái đi phẫu thuật, dù khi ấy, cô bé chỉ vừa tròn 3 tháng tuổi.
Có thể nói hủ tục này khá phổ biến ở Singapore vì hầu như các y bác sĩ đều quen thuộc với công việc này. Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ thường sẽ cầu nguyện rồi mới cầm dao. Theo lời của Rizman, một vị bác sĩ đạo Hồi đã nói với anh rằng: "Chỉ cần một chút thôi là ổn".
Tuy nhiên, vì không phải là một người sùng đạo, nên Rizman đã quyết định tìm hiểu thêm về "sunat". Theo thời gian, chuyên gia truyền thông càng trở nên lo lắng vì không thể tìm thấy câu trả lời xác đáng cho hủ tục này.
Nên hay không nên thực hiện "sunat"?
Bên cạnh ý kiến việc thực hiện "sunat" ở nữ giới là điều bắt buộc. Thì vẫn tồn tại một bộ phận người đi ngược lại quan điểm cổ hủ kia. Họ cho rằng "sunat" không phải là nghi lễ tôn giáo mà thiên về tập tục văn hóa. Và hành động này thật sự chẳng cần thiết, thậm chí nó còn mang tính chất "phi nhân đạo".
Quan niệm của hủ tục này là khi nữ giới cắt mất phần âm vật sẽ khiến giảm bớt khoái cảm, đồng thời, khả năng đi lăng nhăng, lang chạ và đam mê nhục dục cũng không còn. Tuy nhiên, theo khoa học điều này lại ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ.
Hành vi "cắt âm vật" mà không nhằm phục vụ mục đích y tế sẽ bị coi là vi phạm quyền trẻ em và phụ nữ (theo tổ chức Liên Hợp Quốc). Một số quốc gia còn cho rằng hành vi này là vi phạm pháp luật và đáng phải lên án.
Năm 2016, theo khảo sát của Unicef ước tính khoảng 60% nữ giới đã bị cắt âm vật. Phần lớn số người này thuộc 7% dân số phụ nữ theo đạo Hồi Malay tại Singapore. Bên cạnh đó, Hội đồng Hồi giáo của Singapore (MUIS) đã cho rằng "sunat" là thủ tục bắt buộc cho cả nam lẫn nữ.
Tuy nhiên, Giám đốc Truyền thông cấp cao tại Orchid Project - bà Miranda Dobson khẳng định rằng, tập tục "sunat" chỉ xuất hiện ở những vùng sâu xa của Châu Phi, nơi dân trí thấp chứ không phải ở một quốc gia phát triển như Singapore.
Bà còn cho rằng việc cắt bỏ một bộ phận sinh dục nữ sẽ dễ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Chẳng hạn như: mất máu nghiêm trọng, nhiễm trùng vết thương, sẹo, rối loạn lo âu... Mặc dù vậy, Singapore vẫn không có bất cứ động thái nào về việc chống lại hủ tục đó. Những người phản đối luôn vấp phải sự im lặng từ chính phủ.
Thương tổn khi trưởng thành
Có nhiều cô gái trẻ sống trong gia đình theo đạo Hồi ở Singapore. Họ bị cắt mất một phần của bộ phận sinh dục khi còn quá bé. Nên khi trưởng thành và biết được sự thật, họ sẽ cảm thấy tổn thương. Cô gái trẻ Saza Faradilla cũng thế. Cô đã rất khó chấp nhận khi vô tình biết được mình đã bị cắt mất phần âm vật.
Sau khi lên Đại học, Faradilla đã dành thời gian nghiên cứu để phát triển luận án về hủ tục cắt bỏ âm vật nữ giới ở Singapore. Đồng thời, nữ sinh viên trẻ đã tổ chức các chiến dịch cộng đồng nhằm đẩy lùi tập tục tàn nhẫn này. Cô chia sẻ: "Hủ tục sunat sẽ bị gạch tên nếu những nhà chức trách cố gắng chống lại những lý do phi đạo đức và tàn nhẫn của nó".