Lý do người trẻ tuổi và khỏe mạnh như ca sĩ Vân Quang Long vẫn bị đột quỵ?
- Hồng Ngọc
- Đăng lúc: Thứ tư, 30/12/2020 11:06 (GMT +7)
Đột quỵ là nỗi ám ảnh về sức khỏe với tất cả mọi người khi nhiều năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi ngày càng tăng.
Theo thống kê của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, trong 20 năm qua số ca đột quỵ ở người già đã giảm dần. Tuy nhiên, tình trạng đột quỵ ở người trẻ lại có chiều hướng gia tăng, chiếm khoảng 5 - 10% tổng số ca mắc bệnh. Yếu tố nguy cơ đẫn đến đột quỵ được chia thành hai nhóm là nhóm có thể thay đổi và nhóm không thay đổi được.
Sự gia tăng số ca đột quỵ ở người trẻ được xác định do sự phát triển của nhóm các yếu tố có thể thay đổi được như béo phì, tiểu đường và cao huyết áp. Trong đó, cao huyết áp là mối đe dọa lớn nhất dẫn đến đột quỵ. Bên cạnh đó, một số thói quen sống không lành mạnh của người trẻ cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Hút thuốc lá
Có khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi do hút thuốc lá. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy có sự tương quan giữa lượng thuốc hút vào mỗi ngày với nguy cơ đột quỵ. Trong thuốc lá có chứa khoảng 7000 chất độc hóa học như carbon monoxide, arsenic và cyanide. Những chất độc này được vận chuyển vào máu thông qua phổi làm thay đổi và phá hủy các tế bào trong cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tổn thương mạch máu não. Những nghiên cứu này như một hồi chuông cảnh báo cho những người đã và đang sử dụng thuốc lá.
Bệnh béo phì và lười vận động
Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy có khoảng 10% bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ do thừa cân. Các chỉ số về chu vi vòng bụng, tỷ lệ vòng bụng/vòng hông, tỷ lệ vòng bụng/chiều cao có mối liên hệ chặt chẽ đến nguy cơ đột quỵ. Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, nhưng có một thực trạng là trong vòng 5 năm từ 2014 - 2020, tỷ lệ người béo phì tại Việt Nam đã tăng 33%. Tỷ lệ này đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kéo theo chế độ ăn ít lành mạnh hơn.
Giới trẻ ngày càng thích ngồi trước màn hình máy tính hoặc sử dụng điện thoại di động hơn là tham gia các hoạt động thể thao. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những người không tập thể thao hoặc lười vận động có nguy cơ đột quỵ cao hơn 20% so với những người luyện tập ít nhất 4 lần/tuần.
Đái tháo đường và tăng huyết áp
Có đến 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ do đái tháo đường và 10% do bệnh tăng huyết áp. Đặc biệt, Đông Nam Á là khu vực có tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi do đái tháo đường lên tới 45%. Ở Việt Nam đang có sự gia tăng về bệnh tiểu đường ở người trẻ tuổi, thậm trí ở cả trẻ em. Nhiều ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9 - 13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi. Chính vì thói quen ăn uống thay đổi, ăn nhiều thực phẩm công nghiệp, thức ăn nhanh, lối sống không lành mạnh với môi trường ô nhiễm khiến độ tuổi mắc tiểu đường ngày càng trẻ.
Uống rượu bia
Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý đột quỵ ở bệnh nhân trẻ tuổi. Nghiên cứu của Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới. Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt cao hơn so với các quốc gia trong khu vực. Việc sử dụng rượu bia làm tăng huyết áp, biến chứng thần kinh trung ương, tạo tiền đề xơ vữa động mạch dễ gây thiếu máu cục bộ khiến đột quỵ. Đáng lưu ý, tình trạng xơ vữa mạch xuất hiện rất sớm trước cả các tác động liên tục từ lối sống.
Mất ngủ
Trước đây, mất ngủ thường gặp ở người trên độ tuổi 60 nhưng hiện nay những bệnh nhân dưới 40 tuổi mắc bệnh ngày càng nhiều. Mất ngủ kéo dài trên một tháng với tần suất 3 lần/tuần sẽ trở thành mãn tính và khó cải thiện. Điều này gây ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe gây ra các bệnh như tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máy, xơ vữa động mạch... Đây chính là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ ở người trẻ tuổi. Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Icahn (Mỹ), những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người ngủ đủ (7 - 8 tiếng) đến 83%.