Tại sao tài xế Grab đình công: Luật sư phân tích tác động của Nghị định 126
- HH
- Đăng lúc: Thứ ba, 08/12/2020 22:09 (GMT +7)
Theo quy định mới, mức nộp đối thuế VAT đối với tài xế Grab tăng 7% so với trước đây trong khi mức thuế với Grab không thay đổi.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 05 tháng 12 năm 2020 (Nghị định 126) có quy định liên quan đến việc xác định nghĩa vụ khai và nộp thuế đối với trường hợp tổ chức thực hiện hợp tác kinh doanh với cá nhân. Theo đó, tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh (Điểm c, Khoản 5 Điều 7 Nghị định 126).
Luật sư Hoàng Liêm - Trưởng Văn phòng luật sư quốc tế L&P - cho biết: Bản chất mối quan hệ giữa Grab và các lái xe hợp tác với Grab (tài xế Grab) được xác định là mối quan hệ hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận. Theo đó, Grab sẽ phải kê khai và nộp toàn bộ thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu theo mức thuế VAT mà Grab phải nộp là 10%. Quy định này đối với Grab thì không có sự khác biệt so với trước đây nhưng đối với tài xế thì có sự khác biệt lớn về tỷ lệ nộp thuế của tài xế.
Cụ thể, trước đây, việc kê khai và nộp thuế trong mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa Grab và tài xế có sự tách bạch về mức nộp, tài xế sẽ nộp thuế VAT theo đối tượng là cá nhân kinh doanh với mức 3% trên phần doanh thu được chia từ hoạt động hợp tác kinh doanh. Nhưng hiện nay, theo Nghị định 126, mức nộp đối thuế VAT đối với tài xế là tương đương mức 10% trên phần doanh thu chia được từ hoạt động kinh doanh, tăng 7%.
"Để hiểu rõ hơn, có thể thấy qua ví dụ như sau: Trong hợp đồng giữa Grab và Tài xế thỏa thuận hưởng doanh thu theo tỷ lệ Grab 20%, tài xế 80%. Giả dụ tài xế kiếm được 100.000VND (chưa bao gồm VAT), thì Grab sẽ có doanh thu 20.000 VND, tài xế sẽ có doanh thu 80.000 VND.
Với quy định cũ: Số thuế VAT grab phải nộp là 10% x 20.000 VND = 2.000 VND; tài xế sẽ phải nộp là 3% x 80.000 VND = 2.400 VND. Với quy định mới: Số thuế VAT Grab thực chất cũng chỉ phải nộp là 10% x 20.000 VND = 2.000 VND, giống như trước đây; nhưng tài xế cũng sẽ phải nộp theo tỷ lệ 10%, tức 10% x 80.000 VND = 8.000 VND.
Như vậy, theo tinh thần quy định mới, Tài xế sẽ phải nộp tăng từ 2.400 VND lên 8.000 VND.", luật sư Hoàng Liêm phân tích.
Về phương diện lý thuyết, khách hàng sẽ phải là người chịu thuế VAT. Tuy nhiên không phải lúc nào hãng xe công nghệ cũng có thể tăng giá cước một cách đột biến để bù đắp đủ vào chi phí thuế VAT đã tăng lên do còn đảm bảo cạnh tranh trên thị trường. Trên thực tế, những ngày qua, dù đã tăng giá cước vận chuyển, nhưng tài xế là người cảm nhận rõ ràng và thực chất nhất thu nhập của mình đã bị giảm sút hoặc có nguy cơ bị giảm sút.
Luật sư Hoàng Liêm bày tỏ quan điểm: "Nghị định 126/2020/NĐ-CP xác định mối quan hệ giữa Grab và tài xế là mối quan hệ hợp tác kinh doanh, không phải là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong mối quan hệ này, tài xế phải lo toàn bộ các chi phí như xe, xăng xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và những chi phí khác trong quá trình làm việc.
Như vậy, nếu áp dụng mức thuế VAT 10% trên phần doanh thu được chia đối với tài xế theo tinh thần Nghị định 126 là chưa phù hợp, chưa hợp lý. Cá nhân kinh doanh không nên bị áp dụng như đối với doanh nghiệp vì họ không được khấu trừ thuế VAT, chưa kể họ còn phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Các tài xế phải bỏ các sức lực và tài sản của mình ra để lao động trong khi họ không được hưởng chế độ bảo hiểm, cũng như các chính sách có lợi khác giống như người lao động.
Ngoài ra, Grab cũng nên xem xét lại tỷ lệ phân chia giữa Grab và các tài xế để họ có thể yên tâm làm việc dù điều này cũng phụ thuộc lớn vào chính sách và lợi nhuận mà Grab thu được."