Tết Hàn thực là gì mà cứ đến dịp này nhà nhà đều làm bánh trôi, bánh chay
- Hành Hành
- Đăng lúc: Thứ ba, 13/04/2021 22:27 (GMT +7)
Cùng tìm hiểu xem tết Hàn thực có ý nghĩa gì mà cứ mỗi dịp 3/3 là nhà nhà lại nô nức làm bánh trôi bánh chay bạn nhé.
Cứ mỗi dịp mùng 3/3 là nhà nhà lại nô nức xay bột làm bánh trôi bánh chay. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi Tết Hàn Thực có từ bao giờ và vì sao nó lại có cái tên như vậy không?
Truyền thuyết của Tết Hàn thực
Theo tiếng Việt, “Hàn” có nghĩa là “lạnh”, “thực” là “ăn”, vậy Hàn Thực có thể hiểu nôm na là “Tết ăn đồ lạnh”. Nguồn gốc của cái tết này xuất phát từ một điển tích của Trung Quốc, kể rằng: Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở.
Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy.
Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm).
Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam, Tết Hàn thực có nhiều biến đổi phù hợp với bản địa. Chẳng hạn Tết Hàn thực Trung Quốc kiêng đốt lửa, ăn đồ lạnh 3 ngày tác giả cuốn "Ngàn năm áo mũ", nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết người Việt vẫn đun nấu bình thường. Có chăng Tết Hàn thực Việt Nam là luôn gắn với bánh trôi, bánh chay, 2 món bánh ăn nguội.
Bánh trôi bánh chay truyền thống và các biến tấu đẹp mắt của người Việt
Bánh trôi, bánh chay được làm từ hỗn hợp bột nếp và bột nếp theo tỉ lệ 9:1. Theo đúng lệ xưa, gạo sẽ được vo sạch, ngâm kĩ rồi xay thành bột nước. Cuối cùng bà nội trợ đổ hỗn hợp bột nước đó vào túi vải treo cao để qua đêm. Qua một đêm, phần nước chảy hết chỉ giữ lại phần bột dẻo mềm.
Bánh trôi, bánh chay đều làm từ những nguyên liệu quen thuộc, dân dã, dễ kiếm của người Việt. Bột tất nhiên là thứ quan trọng nhất, ngoài ra còn cần đường phên, đỗ xanh, đường kính, vừng rang và ít dừa nạo. Có lẽ vì thế, gia đình nào cũng có thể làm bánh trôi, bánh chay cho ngày Hàn thực mà không câu nệ giàu nghèo.
Khi đã đã thành khối mềm dẻo, không dính tay, bà nội trợ lấy bột, vê thành những viên nhỏ, thêm nhân là mật mía cắt nhỏ rồi viên tròn đem luộc gọi là bánh trôi. Bánh trôi thường to chừng cỡ ngón cái tay người lớn. Cùng bột ấy, nếu dùng nhân là đậu xanh nhào nhuyễn với đường, nặn cỡ bằng 3/4 quả trứng gà ta rồi đem luộc thì gọi là bánh chay.
Cách làm bánh trôi, bánh chay Tết Hàn thực rất đơn giản. Chỉ cần thả bánh trôi vào nồi nước đang sôi, chờ khi bánh nổi lên là chín. Lúc này vớt bánh, cho vào tô nước lạnh để bánh khỏi dính rồi mới bày ra đĩa và rắc thêm vừng.