Thao túng thị trường chứng khoán là gì? Tội thao túng thị trường chứng khoán bị phạt ra sao?

Có hiện tượng cá nhân, công ty phát hành chứng khoán sử dụng những thủ đoạn tinh vi nhằm thao túng và đẩy giá cổ phiếu của mình khiến các nhà đầu tư "sập bẫy".

Hiện nay, đầu tư chứng khoán không còn xa lạ tại Việt Nam, đây là kênh đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận nhưng cũng rất mạo hiểm nếu không hiểu biết và có những phán đoán sai lầm. Hầu như các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ không bao giờ biết chắc được giá chứng khoán mình mua sẽ tăng hay giảm hay công ty mà họ rót tiền vào đang làm ăn lời hay lỗ.

Có rất nhiều trường hợp công ty phát hành chứng khoán đã sử dụng những thủ đoạn tinh vi để đánh vào tâm lý người đầu tư, thổi giá, đầu cơ hoặc làm giá "ảo". Ví dụ như, các công ty này tự mua chứng khoán của mình trái quy định của pháp luật để đẩy giá chứng khoán lên cao, sau khi các nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu này sẽ có lãi và đổ xô vào mua thì phía công ty phát hành sẽ bán ra chứng khoán với một lượng lớn khiến cho giá chứng khoán này "lao dốc". Khi ấy, các nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng hoàn toàn.

Thao túng thị trường chứng khoán là gì? Tội thao túng thị trường chứng khoán bị phạt ra sao?

Vậy tội danh thao túng thị trường chứng khoán là gì?

Nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư và xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán như trên, pháp luật nước ta đã quy định ở Khoản 3 Điều 12 Luật chứng khoán năm 2019 như sau: Hành vi thao túng giá chứng khoán là một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, cụ thể: 

Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

Những hành vi bị khép vào tội thao túng thị trường chứng khoán (theo Khoản 2, điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP)  có thể tóm tắt như sau:

  • Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
  • Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
  • Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
  • Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
  • Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
  • Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Tội danh thao túng thị trường chứng khoán phải chịu mức án nào?

Với việc ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch HĐQT công ty CP Tập đoàn FLC bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc thực hiện hành vi "thao túng" và "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" vào ngày 29/3/2022, ông Quyết sẽ bị điều tra về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, thì người bị kết luận có tội liên quan đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ phải chịu các mức phạt và án tù tóm tắt như sau:

  • Người thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán để thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  • Nếu Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: Có tổ chức, thu lợi bất chính từ 1 tỷ 500 triệu trở lên, gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên, hành vi tái phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
  • Nếu phạm tội với tư cách cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan tới chứng khoán nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
  • Với các công ty, pháp nhân thương mại phạm tội thao túng thị trường chứng khoán thì sẽ bị phạt với khung như sau: Phạt tiền từ 2 tỷ tới 10 tỷ đồng tùy vào mức độ. Có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động ở một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm tới 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm tới 03 năm. Nếu vi phạm ở mức cao nhất quy định tại điều 79 của Bộ luật hình sự 2015 thì doanh nghiệp sẽ bị ngừng hoạt động vĩnh viễn.

Bài liên quan

News feed