Loại thuốc hữu hiệu chữa "bệnh" lề mề ở trẻ nhỏ
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ hai, 09/11/2020 10:06 (GMT +7)
Rất nhiều trẻ mắc tật lề mề, chậm chạp, làm gì cũng lóng ngóng và vụng về. Tuy nhiên, cách chữa "bệnh" này không khó như cha mẹ nghĩ.
Chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương cho biết ngày nào chị cũng gặp những trường hợp cha mẹ than phiền về thói lười biếng, ích kỷ, làm gì cũng lề mề chậm chạp của con. Đa số đều bày tỏ sự lo lắng cho rằng "bây giờ dạy con khó quá" và hoang mang không biết phải làm gì khiến trẻ trưởng thành "như mình muốn". Nhưng qua tìm hiểu TS Hương nhận ra hầu hết đó đều là những đứa trẻ được “bọc đường” từ nhỏ.
TS Hương cho hay, do trẻ được bố mẹ chăm bẵm, được làm giúp tất cả mọi việc, thậm chí khi trẻ đã lên lớp 3 mà mỗi bữa tối vẫn được mẹ bón với lý do “Không bón là nó không ăn”. Lâu ngày trẻ sinh ra lười nhác, hễ phải tự làm việc gì là vô cùng lề mề, mất rất nhiều thời gian, lóng ngóng, làm không nên.
Nhưng ít ai biết rằng, chính bố mẹ là người hại trẻ khi chăm bẵm con quá nhiều. Chuyên gia này cũng khuyên rằng liều thuốc hữu hiệu nhất để trẻ bớt lề mề là “mặc kệ” con.
TS Vũ Thu Hương đưa ra ví dụ cụ thể rằng, nếu con lề mề không ăn, bố mẹ cứ mạnh tay cất đồ ăn đi, cho nhịn, làm vậy không phải là ác với con mà hãy nghĩ nhịn một bữa con không sao hết. TS nhấn mạnh: "Nếu cứ chăm chút, lo lắng liệu bố mẹ có sống đời đời kiếp kiếp lo cho con?"
Theo vị chuyên gia giáo dục này, bố mẹ hãy để con có thời gian để tự giải quyết việc của mình. Không sốt ruột, không vì thấy con lề mề mà xông tới làm giúp, cũng đừng giục giã quát mắng, chê trách con, hãy để con tự tập làm chứ đừng can thiệp.
Liên quan đến vấn đề trên, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, nguyên Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bày tỏ quan điểm, việc cha mẹ bao bọc con cái quá mức chính là đang tước đi những cơ hội để con rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách và sự trưởng thành nói chung, do đó cha mẹ phải giúp trẻ có niềm tin vào bản thân mình khi trẻ nhận ra mình có thể làm được.
Ông cũng chia sẻ rằng, bố mẹ không thể sống giùm trẻ, càng không thể lo mọi thứ cho con, do đó nếu chúng ta can thiệp quá sâu vào tiến trình phát triển tự nhiên của trẻ bằng việc bảo bọc quá mức thì có thể đưa đến những kết quả không như chúng ta mong đợi.
Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu không để trẻ có tính tự chủ, khám phá, trẻ có thể trở nên phụ thuộc, không có trách nhiệm, và cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định, các mối quan hệ xã hội về sau.