Thủ tướng Thái Lan lo ngại đất nước "chìm trong biển lửa" do biểu tình
- Thanh Le
- Đăng lúc: Thứ ba, 22/09/2020 10:23 (GMT +7)
Hơn 20 người biểu tình đã bị bắt trong các cuộc biểu tình kéo dài từ cuối tuần qua tại Thái Lan.
Bangkok vào cuối tuần vừa qua, hàng chục nghìn người đã đổ ra đường để biểu tình với mục đích yêu cầu chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức. Cuộc biểu tình của giới sinh viên đòi cải cách chế độ quân chủ này đã sục sôi suốt hai tháng qua, từ chiến dịch trực tuyến hồi đầu năm chuyển sang biểu tình trực tiếp từ giữa tháng 7 và nhanh chóng lan rộng ra cả nước.
Thủ tướng Prayut nhậm chức sau cuộc bầu cử vào năm ngoái, là cựu lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 và đặt Thái Lan dưới sự kiểm soát của quân đội trong 5 năm.
Người biểu tình nói rằng toàn bộ cuộc bầu cử đã bị thao túng. Họ đã gửi thư tới Vua Maha Vajiralongkorn để yêu cầu cải cách chế độ quân chủ, yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cùng chính phủ của ông từ chức và soạn thảo bản hiến pháp mới, dân chủ hơn, thay thế hiến pháp hiện tại.
Người biểu tình cũng yêu cầu bãi bỏ luật phỉ báng, một quy định nhằm ngăn hoàng gia bị chỉ trích. Họ cho rằng đây là quy định vô lý và khắc nghiệt, có thể khiến người vi phạm phải ngồi tù tới 15 năm với mỗi tội danh.
Làn sóng bất bình của công chúng đã âm ỉ từ tháng 2, khi giới lãnh đạo của đảng đối lập, phe được giới trẻ Thái Lan ủng hộ, bị cấm tham gia chính trị.
Ở đất nước Đông Nam Á này trong nhiều thập kỷ qua đã vướng vào vòng xoáy của biểu tình bạo lực và đảo chính quân sự, nhưng trong quá khứ, các phong trào này thường được các thế lực chính trị và tài chính hậu thuẫn.
Thủ tướng Prayut đã nói rằng Thái Lan có thể "chìm trong biển lửa" do sự thiếu kiềm chế của người biểu tình. Cho tới nay, hơn 20 người biểu tình đã bị bắt, bị buộc tội nổi loạn và vi phạm quy tắc phòng chống Covid-19, tuy nhiên hầu hết đã được tại ngoại.
Những cuộc biểu tình nổ ra từ giữa tháng 7 đến nay đã phá vỡ điều cấm kị chỉ trích hoàng gia cũng như tìm kiếm hiến pháp mới đồng thời kêu gọi tiến hành bầu cử.
Các nhà tổ chức cho hay, có hơn 50.000 người tham gia biểu tình mỗi tuần. Song thống kê ước tính từ cảnh sát là 18.000 người. Đây là số người biểu tình lớn nhất kể từ khi ông Prayuth lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.