Tiến sĩ Lê Văn Duyệt chỉ ra những sai lầm khiến kết quả test nhanh Covid-19 âm tính giả

Không làm đúng theo hướng dẫn được ghi trên bao bì của bộ kit test Covid-19 sẽ dễ dàng cho ra kết quả test nhanh là "âm tính giả".

Hashtag: COVID-19

Test nhanh Covid-19 đang là phương pháp xét nghiệm phổ biến bởi cách thức thực hiện dễ dàng và nhanh chóng để phát hiện có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không, từ đó giúp chúng ta có những xử trí kịp thời để tránh lây lan cộng đồng.

Tuy nhiên trong thực tế, đôi khi test nhanh Covid-19 có thể gây ra kết quả "âm tính giả". Cụ thể, một số người tự test nhanh tại nhà thì cho kết quả âm tính. Nhưng sau đó khi test PCR, kết quả lại dương tính với Covid-19. Điều này khiến không ít người hoang mang lo lắng về cách thức test nhanh tại nhà.

Nhiều người dễ mắc sai lầm khi test nhanh Covid-19

Vừa qua, tiến sĩ Lê Văn Duyệt, Trưởng phòng Xét nghiệm Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, đã chỉ ra các sai lầm dễ gây sai lệch kết quả test nhanh.

Không làm đúng theo hướng dẫn được ghi trên bao bì của bộ kit test

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, điều quan trọng nhất khi thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 là người dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và lựa chọn loại test nhanh nằm trong danh mục cấp phép của Bộ Y tế. Các bộ test này sẽ cho kết quả chính xác và đáng tin cậy hơn so với các loại được bán trôi nổi trên thị trường và chưa được cấp phép bởi Bộ y tế.

Trong bộ kit test, các nhà sản xuất đã hướng dẫn rất cụ thể, từ thể tích dung lịch bao nhiêu ml, cách làm tan khi đưa que ngoáy mũi họng vào, cách nhỏ dung dịch vào que test, bóc que test trước khi nhỏ bao lâu, kết quả sau bao lâu sẽ không còn hiệu lực… Tất cả đều được hướng dẫn và yêu cầu phải được thực hiện đúng. Nếu không, việc sai sót sẽ xảy ra và ảnh hưởng đến kết quả test.

Cần làm đúng theo hướng dẫn được ghi trên bao bì của bộ kit test

Sai từ quá trình lấy mẫu

Quá trình lấy mẫu xét nghiệm rất dễ bị sai sót, đặc biệt đối với những ai chưa được tập huấn, thiếu kiến thức về cấu trúc giải phẫu của vùng hầu họng. Đối với bộ dụng cụ kiểm tra tại nhà, tăm bông phải vào sâu trong mũi từ 2 tới 4 cm. Đưa que vào chưa đủ sâu vùng cần lấy mẫu cũng dẫn tới âm tính giả.

Đối với trường hợp lấy mẫu xét nghiệm trong khoang miệng, cần đưa tăm bông dọc theo mặt sau của thành họng hoặc amidan nhiều lần. Đặc biệt, người dân không được để lưỡi chạm vào miếng gạc. Tốt nhất là nên ấn lưỡi của bạn xuống bằng dụng cụ ấn lưỡi gỗ.

Tăm bông phải vào sâu trong mũi từ 2 tới 4 cm.

Thời điểm lấy mẫu

Thời điểm lấy mẫu là yếu tố vô cùng quan trọng để đưa ra kết quả test nhanh chính xác nhất. Nhiều người sau khi tiếp xúc F0, đã lập tức lấy mẫu test ngay, lúc này, tải lượng virus chưa đủ để que test có thể phát hiện, nên dễ cho ra kết quả âm tính giả.

Bảo quản kit test sai cách

Bộ xét nghiệm nếu không được bảo quản đúng cách hoặc bị mở ra và tiếp xúc với không khí quá lâu cũng khiến kết quả test nhanh bị sai. Bộ kit test cần được giữ ở nơi tránh ánh nắng mặt trời và ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C). Không nên bảo quản chúng trong tủ lạnh vì có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Trong quá trình xét nghiệm, que thử cũng cần được giữ ở nhiệt độ phòng, tránh nhiệt độ môi trường quá cao hay quá thấp.

Bài liên quan

News feed