Muôn hình vạn biến tấu ngon, đẹp, lạ của bánh chưng truyền thống

Vẫn là gạo, thịt, lá dong nhưng bánh chưng ngày nay thực sự đa dạng về cả hương vị, màu sắc. Tết này bạn chọn bánh chưng truyền thống hay những biến tấu này?

Hashtag: Món ăn ngày Tết Ẩm thực việt nam Các món bánh Việt Nam Văn hóa ẩm thực Tết Nhâm Dần

Được biết nguồn gốc của bánh chưng qua sự tích “Bánh chưng, bánh dày” của hoàng tử Lang Liêu với hình dáng vuông vắn và nhân bánh đầy đặn gói trong lớp lá dong xanh quen thuộc. Không chỉ vào những ngày Tết, bánh chưng xuất hiện mỗi ngày như một món ăn truyền thống được yêu thích của người dân Việt Nam. 

Hàng ngàn năm gắn bó với người Việt, chiếc bánh chưng truyền thống xưa cũng có nhiều biến tấu mới mẻ về cả màu sắc lẫn hương vị. Có thể điểm tên một vài loại bánh chưng được biến tấu dưới danh sách sau:

Bánh chưng nếp cẩm

Ai là fan của nếp cẩm chắc chắn không thể bỏ lỡ món bánh chưng nếp cẩm. Bánh chưng nếp cẩm vốn là đặc sản của người Thái ở Yên Bái. Điểm đặc biệt của bánh chưng nếp cẩm là làm bằng gạo nếp cẩm vốn có màu tím đen đặc trưng. Người ta có thể dùng thuần gạo nếp cẩm hoặc trộn nếp cẩm với gạo nếp thường.

Bánh chưng nếp cẩm có hạt gạo mềm, dẻo có màu tím độc đáo. Ảnh: nepcam.vn

Càng trộn ít nếp thường hoặc dùng thuần nếp cẩm, bánh sẽ càng có màu tím đậm hơn. Với đặc trưng của nếp cẩm là hạt dẻo, ngọt nhưng vẫn có độ giòn nên bánh chưng nếp cẩm lạ miệng hơn hẳn bánh chưng thường. Bánh chưng nếp cẩm truyền thống của người Thái vốn có hình tròn nhưng gần gần nhiều gia đình đã chuyển sang gói hình vuông. 

Bánh chưng đen

Bánh chưng đen vốn là một món ăn của một số dân tộc Tây Bắc như dân tộc Tày, dân tộc Thái. Để có được những chiếc bánh màu sắc đẹp mắt, người Thái Mường Lò sẽ tìm cây núc nác hoặc hoa cây vừng đen, còn người Tày sẽ tìm cây muối rừng, đốt thành than rồi giã mịn, trộn với gạo nếp nương đã vo và ngâm căng nước. Nhờ thứ bột này mà khi hoàn chỉnh, bánh sẽ có màu đen trông rất lạ mắt.

Bánh chưng đen truyền thống của người đồng bào có hình tròn.

Cũng như bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng đen truyền thống của người đồng bào gói hình tròn. Phần nhân vẫn là đỗ xanh, thịt mỡ, hạt tiêu. Điểm nổi bật của bánh chưng đen là vỏ bánh rất dẻo do làm từ gạo nếp nương, nhân bùi béo nhưng ăn lại lạ miệng, ít béo do có tro của các loại cây rừng. Nhiều người cho hay cũng chính nhờ cho cây rừng nên bánh chưng đen ăn còn ít đầy bụng hơn bánh chưng làm từ gạo nếp bình thường.

Bánh chưng đen cũng đã có biến tấu hình vuông.

Bánh chưng ngũ sắc

Chỉ cần nhắc đến tên thôi là cũng đủ để biết loại bánh chưng này độc đáo đến mức nào rồi. Cùng với màu sắc sặc sỡ thì mỗi phần màu lại có một hương vị khác nhau. Loại bánh chưng 5 màu sắc: trắng, vàng, xanh, tím, đỏ tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ mang đến ý nghĩa bình an và may mắn cho năm mới tới gia chủ.

Màu sắc của bánh chưng ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành.

Bánh chưng ngũ sắc là thức quà giải ngán cho những ai thích bánh chưng nhưng muốn tìm sự mới mẻ hơn màu xanh từ lá dong năm nào cũng ăn. Màu sắc của bánh chưng ngũ sắc được làm bằng các loại nguyên liệu tự nhiên: màu đỏ của gấc, màu tím của nếp cẩm, màu vàng của nước nghệ tươi, màu xanh của lá riềng xay.

Để làm được bánh chưng ngũ sắc đòi hỏi rất nhiều kĩ năng.

Có thể nói bánh chưng ngũ sắc rất khó làm bởi sắp xếp gạo sao cho chiếc bánh đủ 5 màu ít xô lệch nhất, đẹp mắt nhất đòi sự người gói cần tay nghề rất cao.

Bánh chưng cốm

Bánh chưng cốm là loại bánh chưng ngon nhưng rất khó làm, lý do bởi cốm là nếp non, bản chất vốn dẻo vì thế luộc rất dễ nát. Chính vì thế để làm bánh chưng cốm, người làm cần có sự khéo léo trong khâu chọn nguyên liệu, canh lửa, canh giờ luộc. Bù lại, chiếc bánh chưng ốm xanh mướt mắt, khi ăn có sự mềm dẻo và thơm đặc trưng của cốm. Bánh chưng cốm ít người làm, nếu làm thường làm bắng cốm Tú Lệ vì chất lượng hạt cốm đươc đảm bảo, đồng đều. 

Bánh chứng cốm bề mặt mịn hơn bánh chưng gói từ hạt nếp.

Bánh chưng gấc

Đúng như cái tên bánh chưng gấc dùng thịt gấc để trộn với gạo nếp, cho ra màu cam rất đẹp. Nhiều người chuộng bánh chưng gấc bởi màu đỏ cam của loại bánh này gợi đến sự may mắn, tốt đẹp của ngày đầu năm. Khác biệt của bánh chưng gấc với các loại bánh chưng khác là món này có thể làm hai loại nhân mặn và ngọt đều phù hợp, tuy nhiên nhiều người ưa thích bánh chưng gấc ngọt hơn.

Bánh chưng gấc có màu đỏ cam, gợi đến sự may mắn.
Bánh chưng gạo lứt 

Thoạt nhìn bánh chưng gạo nếp và bánh chưng gạo nếp cẩm khá giống nhau nhưng thực ra chúng khác nhau hoàn toàn. Gạo lứt vốn có đặc tính là cứng, nhưng lại tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là tốt cho người bị bệnh tiểu đường. Nhưng chính vì cứng nên khi dùng gạo lứt làm bánh chưng người ta phải vo, ngâm cũng như luộc rất kĩ bánh mới mềm dẻo.

Màu sắc bắt mắt từ gạo lứt nếp đỏ. Ảnh: Thương Trường

Nhờ đặc tính của gạo nên bánh chưng gạo lứt ăn ít ngán hơn, phù hợp với những người cần hạn chế tinh bột. Ngoài ra nhiều người cũng thích dùng gạo lứt làm bánh chưng chay, bánh chưng thực dưỡng.

Bánh chưng lá riềng

Thực ra bánh chưng lá riềng là bánh chưng truyền thống, chỉ khác là, gạo nếp thay vì vo, ngâm, để ráo rồi gói sẽ được trộn thêm với nước lá riềềng. Bánh nhờ thế có màu xanh biếc đồng đều từng hạt gạo chứ không chỉ bề mặt bánh. 

Chiếc bánh chưng xanh mướt mắt nhờ có lá riềng.

Tuy không rõ ai là người đầu tiên nghĩ ra việc trộn lá riềng giã vắt nước cốt trộn vào gạo trước khi gói bánh nhưng sự hấp dẫn từ những chiếc bánh chưng lá riềng lá điều không thể phủ nhận. Nếu cầu kỳ làm bánh chưng lá riềng cùng gạo nếp nương, thịt lợn bản thì chiếc bánh càng ngon gấp bội.

Bài liên quan

News feed