Việt Nam mất gần 20 tỷ USD mỗi năm do thiên tai

Số liệu này vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo về đề xuất giải pháp chống thiên tai cho vùng duyên hải Việt Nam.

Hashtag: Cứu trợ miền trung

Báo cáo cho biết có khoảng 11,8 triệu người dân khu vực ven biển đang gặp rủi ro cao do bão lũ và hơn 35% khu vực dân cư trong khu vực thuộc diện có nguy cơ sạt lở.

Ước tính mỗi năm, ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp trong khu vực phải hứng chịu thiệt hại khoảng 852 triệu USD (tương đương 0,5% GDP cả nước) và 316.000 lao động bị mất việc do ảnh hưởng của lũ sông và lũ ven biển.

Ngoài ra, 26% các bệnh viện công và trung tâm y tế, 11% các trường học phải đối mặt với rủi ro ngập úng, làm gián đoạn khả năng cung cấp dịch vụ thiết yếu như giao thông vận tải và năng lượng do bão lũ gây ra.

Tính trên bình diện cả nước, thiên tai gây thiệt hại tài sản trung bình hàng năm theo sức mua tương đương lên đến 8,1 tỷ USD và thiệt hại đối với đời sống người dân ước tính vào khoảng 11 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, với kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất như hiện nay, mực nước biển dự kiến sẽ tăng 30cm vào năm 2050 và 70cm vào năm 2100 thì mức độ rủi ro do bão lũ của khu vực đô thị dự kiến sẽ tăng lên 7%, ảnh hưởng đến thêm 4,5 triệu người ở khu vực ven biển.

Nghiên cứu cũng cảnh cáo nếu không có hành động kịp thời, áp lực từ các hoạt động của con người lên hệ sinh thái, ví dụ như khai thác nước ngầm hay khai thác cát, thì sẽ làm nghiêm trọng thêm các loại hình rủi ro thiên tai. Đặc biệt khi khu vực ven biển hiện là nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số Việt Nam, và các tỉnh thành ven biển đang được coi là động lực chính cho sự phát triển kinh tế.

Theo WB, các thành phố thứ cấp ở khu vực ven biển Vệt Nam đang có tốc độ đô thị hóa cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Cụ thể, khảo sát tại Tân An (Thừa Thiên - Huế) và Khe Tân (Quảng Ngãi) - hai khu đô thị được hình thành từ các cồn cát cho thấy nguy cơ rất dễ bị sạt lở. Tại một số nơi, biển đã xâm thực tới 300 mét, khiến hàng trăm hộ dân phải di dời, ảnh hưởng đến sinh kế.

Các phân tích trong báo cáo cho thấy chỉ 19% khu dân cư ven biển là đang ở trong khu vực ổn định, hơn một phần ba đã bị ảnh hưởng do sạt lở ven biển và gần một nửa bị bồi tụ. Còn tại đồng bằng sông Cửu Long, 38% khu vực dân cư ven biển đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở.

Các nghiên cứu cho thấy, sạt lở chủ yếu là do các hoạt động của con người như khai thác quá mức, cơ sở hạ tầng quy hoạch kém, và xây dựng trên các vùng sinh thái nhạy cảm.

Trước tình hình đó, các chuyên gia WB đề xuất, chính phủ Việt Nam cần phải cập nhật và duy trì thường xuyên các dữ liệu về thiên tai và có công cụ phân tích đầy đủ để cung cấp cho tất cả các bên liên quan sẽ giúp theo dõi, đánh giá mức độ rủi ro của người dân trước thiên tai.

Đồng thời, thiết lập cơ sở dữ liệu quản lý đê điều tập trung giúp đánh giá mức độ an toàn cũng như nguy cơ rủi ro; hệ sinh thái ven biển được bản đồ hoá và giám sát một cách hệ thống, hướng đến phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn, rạn san hô, cồn cát, bãi biển…

Việt Nam cần đẩy mạnh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng ứng phó với rủi ro thiên tai, đảm bảo có đủ năng lực dự phòng để hỗ trợ người sử dụng như đội ngũ cán bộ y tế có thể tiếp tục làm việc ngay cả khi cơ sở hạ tầng bị gián đoạn do thiên tai.

Được biết, báo cáo này là nỗ lực hợp tác nghiên cứu thiên tai giữa chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Thế giới, và Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi Thiên tai nhằm đưa ra các tính toán chi tiết về mức độ rủi ro mà người dân, các đô thị ven biển, ngành kinh tế then chốt, hệ thống cơ sở hạ tầng và khu vực dịch vụ công ở khu vực ven biển đang phải đối mặt.

Bài liên quan

News feed