Vượt Bhutan, Việt Nam trở thành quốc gia có chỉ số hạnh phúc đứng đầu Châu Á
- Kelly Tran
- Đăng lúc: Thứ năm, 04/03/2021 14:21 (GMT +7)
Việt Nam chính thức trở thành một trong năm quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao trên thế giới và trở thành đất nước hạnh phúc nhất tại Châu Á.
Cụ thể, theo công bố trên trang Happy Planet Index về bảng xếp hạng các quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI), Việt Nam hiện đang là đất nước hạnh phúc thứ 5 trên thế giới.
Theo cách tính từ New Economics Foundation (NEF), Costa Rica hiện đang là quốc gia hạnh phúc và xanh nhất thế giới với chỉ số HPI là 44,7. Tiếp đó là Mexico và Columbia (đều 40,7), Vanuatu (40,6). Việt Nam xếp thứ 5 với chỉ số HPI là 40,3. Mỹ đang đứng ở vị trí 108/140 nước được khảo sát với chỉ số HPI là 20,7.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong ba nước có chỉ số HPI cao trên thế giới và có chỉ số dấu chân sinh thái đủ để giữ gìn sự bền vững của môi trường. Được biết, Tổ chức nghiên cứu Kinh tế - Xã hội NEF có trụ sở chính tại Vương quốc Anh đã tiến hành khảo sát chỉ số tuổi thọ và hạnh phúc của người dân để so sánh với tác động mà con người gây ra với môi trường tại các quốc gia. Nước nào có chỉ số HPI càng cao thì người dân tại đó càng hạnh phúc.
Theo bảng xếp hạng trên, Việt Nam cũng là nước châu Á duy nhất nằm trong top 10 quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới khi có chỉ số hài lòng của người dân là 6,5 và tuổi thọ trung bình là 73,7. Đồng nghĩa với việc chúng ta đã vượt qua Bhutan để trở thành nước đứng đầu về chỉ số hạnh phúc tại Châu Á.
Được biết, ngay từ năm 2012, Việt Nam được đánh giá cao về tỷ lệ phổ cập giáo dục và các dịch vụ công. Cụ thể, tỷ lệ nhập học của trẻ đến tuổi tới trường của nước ta đã đạt 98%, số người nghèo giảm từ 58% (1993) xuống còn 10,7% (2010).
Xét về tiêu chí hạnh phúc, đây không chỉ đơn thuần là việc các nhu cầu cơ bản về vật chất được đáp ứng mà nó còn nằm ở sự thoải mái về tinh thần. Do đó, một đất nước có chỉ số hạnh phúc cao không đồng nghĩa với việc nước đó giàu có, mà điều quan trọng nhất là người dân của quốc gia đó có cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống hiện tại hay không, cũng như có tinh thần luôn sẵn sàng cống hiến, chia sẻ cho cộng đồng.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới ra đời vào năm 2011, đây là ý tưởng của Thủ tướng Bhutan khi đề nghị Liên Hiệp Quốc đặt ra ngày Quốc tế Hạnh phúc. Từ khi thành lập, bảng báo cáo này thành một chủ đề được rất nhiều người quan tâm.