Xuất hiện một loạt cửa hàng Điện máy Cam, Điện máy Đỏ, Điện máy Vàng, đây là anh em với Điện máy Xanh hay chỉ là đạo nhái?
- Alex
- Đăng lúc: Thứ năm, 25/03/2021 15:47 (GMT +7)
Thời gian gần đây tại Hà Nội và TP HCM bỗng xuất hiện các cửa hàng điện máy có tên gọi như thể "anh em một nhà" với Điện máy Xanh.
Cụ thể, tại Ngã 4 Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội có cửa hàng "Điện máy Đỏ" bán các đồ điện tử điện lạnh, đồ gia dụng như máy giặt, nồi cơm điện, quạt hay bếp từ... với diện tích không quá Cửa hàng này chuyên bán các sản phẩm từ máy giặt, nồi cơm, bếp nấu, ấm điện siêu tốc.. với diện tích như một siêu thị mini. Theo đăng ký kinh doanh thì đây là cửa hàng thuộc sở hữu của ông Nguyễn Phan Tới, một người dân trên địa phương.
Còn "Điện máy Vàng", theo tìm hiểu thì thuộc sở hữu của một người tên Đặng Mạnh Hà, cũng kinh doanh trong lĩnh vực điện máy và sản phẩm gia dụng. Được mở ra từ năm 2017 với trụ sở chính đặt tại Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hai cái tên ở trên đầu là những cửa hàng nhỏ lẻ với quy mô không quá lớn, song riêng thương hiệu "Điện máy Cam" thì lại có quy mô bề thế và lịch sử hoành tráng hơn nhiều. Cửa hàng Điện máy Cam đầu tiên ra đời vào cuối năm 2019 còn có tên là Sáu Phước, tọa lạc tại Hậu Nghĩa, Đức Hòa, tỉnh Long An. Cửa hàng này chuyên cung cấp các loại sản phẩm điện lạnh, điện máy của các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Hitachi, Panasonic, Samsung...
Được biết, hiện chuỗi cửa hàng Điện máy Cam đang làm ăn rất phát đạt, khi trao đổi với đại diện của thương hiệu, người này cho biết chuỗi điện máy này đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành chuỗi điện máy lớn trong top 5 tại miền Nam, số lượng từ 30-50 cửa hàng.
Khi tìm hiểu kỹ hơn, ông chủ gây dựng lên thương hiệu điện máy này chính là ông Đỗ Thanh Tịnh, người sở hữu thương hiệu nội thất Tứ Hưng khá tiếng tăm. Ông Tịnh là người có tiếng tăm trong giới kinh doanh, vốn dĩ vào năm 2009, ông đã từng dấn thân vào thị trường điện máy với chuỗi 12 cửa hàng điện máy Tứ Hưng sau 2 năm gây dựng, Đáng tiếc là thời gian sau, việc làm ăn thất bát và ông lâm vào cảnh phá sản, trắng tay.
Năm 2013, ông Tịnh chuyển hướng sang làm nội thất với doanh nghiệp nội thất Tứ Hưng, quyết định chọn mô hình kinh doanh online và tập trung vào phân khúc giá bình dân. Đây là hướng đi đúng đắn giúp ông Tịnh phục hồi lại tình hình tài chính, với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Sau khi công ty nội thất Tứ Hưng đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ông Tịnh quyết tâm "phục thù" khi quay trở lại thị trường điện máy sau 10 năm xa cách. Đó là nguồn cơn dẫn đến sự ra đời của cửa hàng Điện máy Cam đầu tiên ra đời với tên gọi Sáu Phước. Cho đến nay, thương hiệu Điện máy Cam của ông Tịnh vẫn hoạt động tốt, quy mô có thể không so sánh được với Điện máy Xanh, song cũng có thể coi là đối thủ cạnh tranh "tiềm tàng".
Như vậy, cả 3 cái tên tưởng là "anh em cùng dòng tộc" với Điện máy Xanh nhưng hóa ra Điện máy Cam, Điện máy Đỏ hay Điện máy Vàng hoàn toàn là "người dưng", chẳng hề có tý "dây mơ rễ má" nào với Điện máy Xanh cả, ngoài ra chỉ có Điện máy Cam là còn có khả năng vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG). Hai cái tên còn lại, có lẽ chỉ đơn thuần là "trùng ý tưởng" hoặc "mượn ý tưởng" của Điện máy Xanh mà thôi.