Không chỉ là một món ăn đơn thuần mà lẩu còn là một nét văn hóa ở Trùng Khánh (Trung Quốc). Người dân nơi đây thích ăn lẩu đến mức, ước tính có khoảng 10.000 tiệm lẩu ở thành phố này. Vì vậy, bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thì du khách khi đến Trùng Khánh đều muốn thưởng thức món lẩu này một lần.
Để có một nồi lẩu ngon cần 3 yếu tố quan trọng, đó là: nồi 9 ngăn, nguyên liệu và nước dùng. Không giống những nồi lẩu thông thường, ở Trùng Khánh người ta thường dùng nồi tròn, chia làm 9 ngăn. Lý do đầu tiên đó là yếu tố vệ sinh. Nếu trong bàn có người mới quen, bạn muốn ăn riêng ở phần nồi của mình thì đây sẽ là giải pháp thích hợp. Lý do thứ 2 là giúp nồi lẩu được ngon hơn, không bị mất đi hương vị sau khi nhúng đồ. Tất nhiên, nếu mọi người đều dễ ăn thì cứ thế gọi một nồi lẩu thật to ở giữa, vừa ăn vừa trò chuyện cùng nhau.
Riêng về phần nguyên liệu, để thực phẩm luôn tươi ngon thì người đầu bếp luôn phải đi chợ vào lúc nửa đêm. Đây là lúc khu chợ thực phẩm bắt đầu mở cửa và kéo dài đến tận buổi sáng. Ngoài ra, thực đơn mỗi quán lẩu rất đa dạng, thậm chí lên đến 300 món khác nhau cho thực khách dễ dàng lựa chọn. Tuy nhiên, mỗi bàn thường không gọi quá 48 món một lần. Các nguyên liệu thả lẩu gồm: cá, tôm, thịt, cá, lạp xưởng, lá lách, ruột vịt... Bên cạnh đó cũng có nhiều món được chế biến đơn giản, có thể ăn liền như: chân gà, chân vịt, trứng trà...
Đối với những thực khách mới thưởng thức lẩu Trùng Khánh lần đầu sẽ được nhân viên hướng dẫn cách ăn lẩu đúng cách. Do mỗi nguyên liệu có nhiệt độ chín khác nhau nên bạn cần chú ý nên nhúng vào ô nước lẩu nào cho đúng. Thông thường, những món như: dạ dày, sách bò sẽ nhúng ở ô chính giữa do nhiệt độ ở đó cao nhất. Còn các loại rau củ, nấm thì có thể nhúng ở các ô xung quanh.
Điểm đặc biệt nhất của lẩu Trùng Khánh chính là nồi nước dùng thách thức vị giác của thực khách. Những người mới ăn lẩu lần đầu thường cảm thấy choáng váng do chúng chứa một lượng gia vị rất lớn. Không chỉ vài trái ớt mà là cả một nồi lẩu đầy ngập ớt, dầu ớt, hạt tiêu... bốc lên mùi cay nồng. Ngoài ra, trong nước lẩu còn có 20 loại gia vị, thảo mộc khác càng góp phần tăng độ hăng, độ cay của món ăn này lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, đối với người dân Trùng Khánh, lẩu càng cay, càng nhiều ớt thì mới thực sự là lẩu ngon.
Ngày nay, nhiều tiệm lẩu Trùng Khánh đều có 3 cấp độ cay cho thực khách lựa chọn là: cay ít, cay vừa và rất cay. Nếu không ăn cay quá giỏi thì bạn nên gọi loại nước dùng cay ít và có thể dùng loại trà đặc biệt mang tên hawk tea. Đây là loại trà được gia giảm tùy theo khẩu vị và dùng để chế thêm khi nước lẩu vơi. Chúng sẽ giúp làm giảm vị cay và làm mát cơ thể. Ngoài ra, dầu vừng được dùng để pha chế nước chấm cũng có tác dụng làm loãng vị cay của nước dùng.
Mỗi thành phố, mỗi vùng miền lại có một cách chế biến khác nhau. Tuy nhiên phải ngồi quây quần cùng nhau bên nồi lẩu nghi ngút, cay nồng thì người ta mới cảm nhận được nét độc đáo trong nền ẩm thực của mảnh đất Trùng Khánh.
Bình luận