Sài Gòn có biết bao nhiêu là món chè, từ những món dân dã truyền thống quen thuộc nấu từ các loại đậu đỗ cho đến các món chè mới du nhập từ các nước khác về. Một trong những chè lạ đó chính là chè bí đỏ chưng có nguồn gốc từ Campuchia.
Chè bí đỏ chưng theo tiếng Campuchia gọi là Num-pà-pơi ghi điểm bởi ngoại hình vô cùng bắt mắt, phần bánh flan mềm mịn nằm ngoan trong trái bí đỏ.
“Flan” bí đỏ khi nếm thử có chút ngọt bùi, dậy mùi thơm của sữa và trứng. Phần vỏ bí thì dẻo dẻo, thơm ngon ăn không hề ngán. Cắn một miếng là tan chảy ngay trong miệng. Hương vị như hoà quyện lại với nhau tạo nên món chè chưng độc đáo, thơm ngon hấp dẫn.
Chè bí đỏ chưng thường không ăn riêng mà được ăn chung với chè trứng sợi, thốt nốt, có thêm các loại thạch, sầu riêng, bánh lọt và không thể thiếu là chan nước cốt dừa béo ngậy lên trên.
Ở Sài Gòn, có vô số quầy hàng phục vụ món chè ngon lạ này. Nhưng ngon nhất là phải ăn ở hàng chè cô Huôi tại chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10) có tuổi đời hơn 40 năm. Là người gốc Campuchia nên cô Huôi chuyên các loại chè của xứ chùa tháp. Ẩn mình sau dòng chảy của thời gian, chè cô Huôi đã tiếp đón rất nhiều thực ghé ăn với hơn hàng chục loại chè khác nhau, nhất là món chè bí đỏ Campuchia này đã “hút hồn” biết bao người Sài Gòn.
Chè cô Huôi chỉ khoảng 15.000 đồng/ chén thôi mà siêu nhiều đồ ăn kèm. Nào là bí đỏ chưng, sầu riêng, hạt đác, bánh lọt, lòng đỏ trứng như sợi mì vàng,... Còn chần chừ gì nữa mà không nhanh chân thưởng ngay một chén chè thơm mát, bổ dưỡng đi nào!
Một vài bí quyết cho người làm bí đỏ chưng tại nhà
Muốn chè chưng có vị bùi ngọt và đậm vị, bạn nên chọn mua những trái bí dẻo, không quá già. Bí đỏ bạn đem rửa sạch rồi khoét sạch ruột bên trong. Sau đó cho hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng gà vào và đánh đều rồi mang đi hấp cách thuỷ. Khâu hấp chè rất quan trọng, hấp không đủ thời gian thì vỏ bí sẽ không mềm, hấp lâu quá thì nhân bên trong sẽ bị nhão. Thời gian đẹp nhất để hấp là tầm 45 - 60 phút.
Khâu lựa chọn bí đỏ vô cùng quan trọng để cho ra món chè ngon đến tay thực khách. Mẹo nhỏ để canh làm sao cho chè vừa chín tới là bạn nên dùng đũa hoặc tăm xăm vào phần nhân bên trong. Nếu thấy hỗn hợp đó không bị ứa nước, kết lại vào nhau là có thể tắt bếp cho vào tủ lạnh rồi.
Bình luận