Theo Tuổi Trẻ đưa tin, vào đêm 31/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản hỏa tốc về việc xử lý thông tin giả mạo trên mạng xã hội.
Cụ thể, vào cuối ngày 31/3, MXH lan truyền hình ảnh một văn bản số 314/UBND-KGVX ngày 31/3 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học từ ngày 1 đến ngày 16/4 để phòng chống dịch.
Sau khi nắm bắt được thông tin trên, tỉnh Bắc Ninh đã nhanh chóng đưa ra khẳng định đây là văn bản giả mạo, vi phạm pháp luật và không đúng với chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ở thời điểm hiện tại.
Qua tìm hiểu, thực tế văn bản số 314/UBND-KGVX của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã được phát hành vào ngày 31/1. Còn văn bản được lan truyền trên các trang MXH đã qua chỉnh sửa, cắt ghép. Việc đăng tải thông tin sai sự thật đã khiến dư luận vô cùng hoang mang, nhất là đối với phụ huynh học sinh. Ngoài ra, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của học sinh trên toàn tỉnh.
Ngay sau đó, tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp cùng các ngành, đơn vị liên quan thông báo tới các cơ quan sở giáo dục trên địa bàn tỉnh biết, đồng thời đảm bảo triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy và học theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó, cơ quan công an tỉnh cũng khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh làm rõ tổ chức, cá nhân phát tán văn bản giả mạo trên và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sau khi thông tin về văn bản giả mạo được chia sẻ rộng rãi, cư dân mạng đã vô cùng bức xúc vì sự vô ý thức của người gây ra chuyện này, đồng thời mong cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm đối tượng phát tán văn bản giả mạo kia. Một số khác thì lại cho rằng rất có thể đây là trò đùa ngày "Cá tháng Tư" (1/4) của người này và không biết được rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Trước đó đã có khá nhiều trường hợp tung ra thông tin không đúng, phát tán văn bản giả mạo bị xử lý. Vào tháng 2 vừa qua, một học sinh cấp 2 tại Quảng Nam đã làm giả văn bản rồi gửi riêng cho bạn bè trong nhóm chat lớp cũ để trêu đùa. Sau đó văn bản bị người khác phát tán lên mạng xã hội và gây hoang mang dư luận.
Do thấy em học sinh này còn nhỏ, vi phạm lần đầu nên cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã thống nhất xử lý bằng hình thức cảnh cáo văn bản, yêu cầu phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Thăng Bình, hiệu trưởng trường phối hợp với gia đình giáo dục, quản lý em học sinh.
Thực tế, việc làm giả văn bản và phát tán gây hoang mang dư luận là hành vi không đúng, thậm chí có thể vi phạm pháp luật nên mọi người cần đặc biệt lưu ý, không phạm phải sai lầm này.
Bình luận