Bác sĩ Phí Xuân Thi, bác sỹ CK1 Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, nhiều cha mẹ mắc sai lầm trong việc chăm con sóc bị ho mỗi khi giao mùa khiến con ngày càng bị nặng hơn.
Cụ thể, theo bác sĩ Thi rất nhiều cha mẹ có thói quen mua siro ho cho con uống với mong muốn con chấm dứ cơn ho nhanh chóng mà không hề biết rằng, để điều trị tốt nhất cho trẻ chính là để con được ho, đồng thời đi khám để tìm ra nguyên nhân gây ho.
Hơn nữa bác sĩ Xuân Thi cho biết, với trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi thì hầu hết các thuốc giảm ho không kê đơn thường không hiệu quả.
Thậm chí, bác sĩ cũng khuyến cáo rằng, những loại thuốc này cũng nguy hiểm cho trẻ em vì chúng có thể chứa chất gây nghiện đó là Hydrocodone hoặc codeine. Hai thành phần nói trên có thể làm chậm nhịp thở của trẻ em, nếu dùng quá liều hoặc gặp phản ứng phụ nó có thể dẫn tới ngừng thở ở trẻ em.
BS Xuân Thi cảnh báo, loại thuốc có chứa các thành phần này có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Hơn nữa, theo quan điểm của FDA là không bao giờ được dùng thuốc ho cho trẻ dưới 6 tuổi khi bị ho, vì thực tế đã có trẻ em dưới 6 tuổi tử vong vì sử dụng thuốc ho này.
Do đó, theo vị bác sĩ chuyên khoa nhi, nếu trẻ thỉnh thoảng ho, sinh hoạt vẫn bình thường thì không nên can thiệp vì theo y học, ho là cách bảo vệ đường thở, tống xuất những thứ không cần thiết như dị vật, đờm dãi ra ngoài.
Thay vào dùng thuốc, cha mẹ có thể sử dụng máy phun hơi sương tạo đổ ẩm trong cửa ngủ vào ban đêm, nhỏ nước muối sinh lý, hút hoặc khuyến khích trẻ xì mũi thường xuyên. Như vậy sẽ giúp trẻ giảm nghẹt mũi và có thể giảm thiểu ho do nước mũi chảy xuống họng gây kích ứng đường thở.
Nếu trẻ bị hen suyễn, thì cần sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ, không tùy ý dùng thuốc.
Trường hợp bé ho quá nhiều, bác sĩ Thi khuyên rằng cha mẹ có thể cho trẻ vào phòng tắm đóng cửa, bật nước nóng và để phòng có hơi nước. Nếu sau khoảng 20 phút, cơn ho không đỡ cha mẹ hãy gọi ngay hoặc đưa bé đi khám bác sĩ.
Bác sĩ Phí Xuân Thi khuyến cáo, trường hợp trẻ ho kèm khó thở, khó thở hơn khi bú, hoặc khi gắng sức, thở nhanh hơn bình thường, tím tái (xanh tím hoặc tái ở mặt- môi- miệng), ho kèm sốt cao trên 38.5 độ hoặc bất cứ nhiệt độ nào sốt ở trẻ dưới 3 tháng tuổi thì cha mẹ cần ngay lập tức đưa con đến bác sĩ.
Đối với trẻ dưới 3 tháng, các chuyên gia y tế khuyên cha mẹ nên để ý trẻ nếu con bị ho hơn vài giờ, hoặc sau khi ho mà phát ra tiếng “khùng khục”, trẻ bỏ bú, không thể bú thậm chí ho ra máu, thở rít khi hít vào, khò khè khi thở ra, rút lõm lồng ngực… bố mẹ cần đưa trẻ đến viện sớm.
Bình luận