Bánh áp chao là đặc sản nổi tiếng và phổ biến ở nhiều tỉnh Đông Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang nhưng tất nhiên mỗi tỉnh sẽ có khác biệt về hình thức. Về cơ bản, bánh áp chảo khá giống bánh rán mặn của miền xuôi nhưng thành phần đa dạng và lạ hơn.
Vẫn là gạo nếp, gạo tẻ ngâm xay thành bột nước, nhưng thành phần của bánh áp chảo còn có thêm đỗ tương và sợi khoai môn nạo nên bánh bùi, béo hơn. Thêm vào đó, thay vì thịt lợn, người dân Đông Bắc dùng thịt vịt đã tẩm ướp đậm đà cắt nhỏ để làm nhân.
Bánh áp chao là món quà bán quanh năm nhưng mùa Đông lạnh là lúc món bánh này lên ngôi. Với người dân Cao Bằng, Lạng Sơn... chiều tối ngày đông việc được thưởng thức những chiếc bánh áp chao quả là một điều tuyệt vời. Có những lúc, người ta còn phải xếp hàng để đợi tới lượt vì các quán ăn lúc nào cũng tấp nập người đến người đi.
Bánh áp chảo hấp dẫn người ăn bởi hương vị thơm ngon, giòn giòn, đậm đà cùng với phần nhân thịt vịt vô cùng đặc trưng. Bánh được ăn kèm với nước mắm chua ngọt và đồ chua giòn giòn, mang đến món ăn hấp dẫn, khác biệt, khó có thể tìm thấy ở nơi khác. Hầu hết, các quán bán bánh áp chao đều nằm ở vỉa hè, hoặc có một số quán được mở ở ngay trước hiên nhà. Mọi thứ đều vô cùng giản dị, đơn sơ nên giá thành cũng rất vừa vặn với túi tiền của người ăn.
Nhân nói chuyện bánh áp chao ngon lại phải bàn qua về nguyên liệu làm bánh. Vẫn là gạo nếp, gạo tẻ, đỗ tương nhưng nguyên liệu có ngon bánh mới ngon. Theo đó, gạo làm bánh áp chao nhất định phải là loại gạo mới thu hoạch, hạt còn mẩy, đỗ phải kén đỗ ngon. Có thể khi kết hợp cùng với gạo, mới ra được một hỗn hợp thơm ngon, mềm dẻo. Bột cần được ủ trong khoảng 3 - 4 tiếng để khi rán, bánh mới được phồng đều.
Đối với phần nhân bánh, thịt vịt sẽ được lọc bỏ xương một cách cẩn thận. Tiếp đó, người ta sẽ tẩm ướp gia vị cho thịt vịt được thơm và đậm đà hơn. Cuối cùng, thịt vịt được cắt ra thành những miếng nhỏ vừa vặn và được sử dụng để làm phần nhân.
Trước khi rán, bánh cần được phủ lên một lớp bột để vỏ bánh khi ăn sẽ được giòn và thơm hơn. Qua lớp dầu sôi xèo xèo trên bếp than hồng, từng chiếc bánh áp chao sẽ nhanh chóng chuyển dần sang màu vàng sẫm ở hai mặt. Chỉ cần đợi tới khi đó, người làm bếp sẽ nhanh tay vớt ra, đặt lên đĩa và thực khách có thể bắt đầu thưởng thức được rồi.
Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, bánh áp chao cần phải được chấm cùng với nước mắm chua cay thì mới thực sự là tròn vị. Chủ yếu, nước mắm mà người ở đây sử dụng là loại nước dấm đã pha sẵn, ai thích ăn cay thì bỏ thêm ớt để vừa với khẩu vị của mình thì thôi.
Nộm đu đủ và rau thơm cũng là những thứ kèm không thể bỏ qua. Khi kết hợp những miếng bánh áp chao nóng hổi, thơm lừng với bát nước chấm ấy, người ăn mới có thể cảm nhận được trọn vẹn cái ngon, cái riêng, cái đặc biệt mà món bánh này mang lại.
Các quán bánh áp chao sẽ có mở suốt từ cuối thu cho tới khi hết đông. Vào mỗi dịp thế này, ở miền núi sẽ lạnh hơn nhiều so với ở miền xuôi, lại còn mưa khiến cho bụng dạ lại nhanh đói. Cùng vì người dân nơi đây đã tốn khá nhiều sức cho việc làm nương, làm rẫy, thu hoạch,... nên họ cần có món gì đó ấm áp để “chiều chuộng” cho dạ dày của mình. Chỉ cần bỏ ra chừng 5000 - 10.000đ thôi là đã có thể tha hồ món bánh này mà chẳng lo đói bụng nữa rồi.
Nếu như có cơ hội được đặt chân tới Cao Bằng, du khách đừng bỏ lỡ cuộc hẹn với món bánh áp chao này, vì chắc chắn sẽ khó có thể nào quên. Tình yêu của các du khách đối với thiên nhiên, con người và ẩm thực nơi đây chưa khi nào là đủ. Và thứ tình cảm đặc biệt ấy sẽ được gửi gắm ít nhiều thông qua những chiếc bánh áp chao hấp dẫn và ấm áp này.
Bình luận